Những chiêu trò cản nhà thầu “lạ”

(BĐT) - Nhiều chứng cứ thông thầu có thể dễ nhận biết hoặc cần nhiều thời gian để điều tra. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu mà chỉ cần nhìn là có thể đặt nghi vấn thông thầu, gian lận thầu và dễ dàng đoán biết gói thầu đã có chủ. Nhìn vào những cuộc thầu này, có thể thấy nếu không phải nhà thầu ruột, chặng đường đấu thầu thật quá nhiều cửa ải.
Bên mời thầu thường tạo nhiều rào cản với các nhà thầu không phải nhà thầu “ruột”. Ảnh: Nhã Chi
Bên mời thầu thường tạo nhiều rào cản với các nhà thầu không phải nhà thầu “ruột”. Ảnh: Nhã Chi

Tầng tầng lớp lớp cửa ải

Cửa ải đầu tiên là ở bước phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT). Bị cản trở, gây khó dễ khi mua HSMT là trường hợp nhà thầu phản ánh nhiều nhất đến Báo Đấu thầu. Trong vai nhà thầu đi mua HSMT, chúng tôi đã nếm trải khá nhiều vất vả, có gói thầu địa chỉ bán HSMT là nhà riêng, không có biển hiệu công ty; có gói thầu đại diện bên mời thầu nhất định không bán HSMT vì chưa kịp in, nhưng không quên vỗ vai hẹn chúng tôi “có duyên thì gói sau đến mua”; có gói thì dù chầu chực nhiều ngày nhưng phòng bán HSMT lúc nào cũng cửa đóng then cài, cán bộ phụ trách bán HSMT đi vắng liên tục, mọi số điện thoại của bên mời thầu đều không liên lạc được…

Nếu may mắn có được HSMT trong tay, nhà thầu “lạ” sẽ tiếp tục gặp vật cản vô cùng lớn đó chính là bộ HSMT vừa mua được. Cài cắm điều kiện trong HSMT có thể nói là chiêu thức tinh vi, hữu hiệu để nhà thầu lạ “đầu hàng” ngay từ khi chưa thi.

Những HSMT “có vấn đề” thường cố tình đưa ra các yêu cầu đặc thù, không phù hợp quy định làm hạn chế sự tham dự của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu. Từ thực tế nhiều cuộc thầu, có thể tổng hợp một số “điều kiện” thường được cài cắm mà nhà thầu chỉ cần nhìn là biết HSMT này đã hướng đến ai.

Trước hết, tại tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, các yêu cầu làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu thường là yêu cầu về hợp đồng tương tự có tính “đặc thù” như yêu cầu phải có hợp đồng cung cấp hàng hóa cho các cơ sở chuyên ngành.

Đối với tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, bên mời thầu thường cài cắm các yếu tố đặc thù, riêng có về kỹ thuật của một hãng sản xuất; yêu cầu hàng hóa phải nhập khẩu nguyên chiếc, đồng bộ hoặc yêu cầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hàng hóa thông dụng.

Đối với việc đánh giá HSDT, tình trạng đánh giá không công bằng, cố tình loại nhà thầu vẫn xảy ra. Một số nhà thầu thường được yêu cầu làm rõ về các nội dung trong HSDT hết sức khắt khe hoặc loại nhà thầu mà không cho nhà thầu cơ hội được làm rõ.

Cần thuốc đắng dã tật

Chế tài xử lý đối với chủ đầu tư cần mạnh hơn vì không có chủ đầu tư “tiếp tay”, nhà thầu sẽ khó có thể “lộng hành”
Những cuộc thầu có vấn đề trở nên phổ biến có nguyên nhân lớn là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nếu so với lợi ích của việc thông thầu đưa lại cho cả nhà thầu và chủ đầu tư.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế có chế tài xử lý rất mạnh đối với hành vi tham nhũng, gian lận trong đấu thầu. Ngân hàng Thế giới (WB) khi phát hiện dấu hiệu thông thầu tại dự án quốc gia về nâng cấp và quản lý đường bộ tại Philippines đã huy động trên 20 điều tra viên, luật sư, tư vấn kỹ thuật, cán bộ hỗ trợ cùng vào cuộc tìm chứng cứ. Phán quyết được đưa ra sau 5 năm điều tra, với việc 9 nhà thầu bị xử lý, trong đó có 2 nhà thầu bị cấm vĩnh viễn và 7 nhà thầu bị cấm từ 4 đến 8 năm tham dự thầu gói thầu của WB.

Pháp luật về đấu thầu của Việt Nam cũng đã quy định chế tài xử lý khá mạnh đối với nhà thầu vi phạm. Tuy nhiên, con người là chủ thể thực hiện hành vi hối lộ, gian lận, tham nhũng, nên chặn những hành vi này thì pháp luật là chưa đủ, mà quan trọng hơn là ở người thực thi và giám sát thực thi pháp luật. Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, nhiều trường hợp người có thẩm quyền còn nể nang, “giơ cao đánh khẽ” hoặc là “há miệng mắc quai’ không thể xử phạt nặng nhà thầu. Một số quyết định xử phạt bị “ém”, không công khai để giảm mức độ ảnh hưởng đến nhà thầu bị phạt.

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, theo tổng hợp tại báo cáo công tác đấu thầu của các bộ, ngành, địa phương, số lượng nhà thầu bị xử lý vi phạm trong năm 2015 là 86 nhà thầu. Tuy nhiên, trong cả năm 2015, chỉ có 16 quyết định xử lý vi phạm với danh sách 17 cá nhân, tổ chức bị xử phạt được gửi về Bộ KH&ĐT để đăng tải theo quy định. Việc không gửi đến Bộ KH&ĐT để công khai thông tin, đưa vào “danh sách đen” sẽ ít nhiều làm giảm hiệu lực của quyết định xử phạt.

Bên cạnh việc cần nghiêm túc xử lý đối với nhà thầu vi phạm, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng, chế tài xử lý đối với chủ đầu tư cần mạnh hơn vì không có chủ đầu tư “tiếp tay”, nhà thầu sẽ khó có thể “lộng hành”. Ông Cận khuyến nghị, phải quy định rõ chủ đầu tư của dự án có sai phạm chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào, có thể đuổi khỏi ban quản lý, cấm làm công tác đấu thầu, yêu cầu đền bù thiệt hại, thậm chí xử tù.

Chuyên đề