Những biến động lớn trên thị trường thế giới năm 2018

(BĐT) - 2018 là năm mà thị trường toàn cầu có rất nhiều câu chuyện mới để bàn luận, tranh cãi. Ở góc nhìn tổng quát, dễ thấy những diễn biến mới trên thị trường vừa truyền cảm hứng, vừa gây hoang mang, và trong một số trường hợp là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta về những thay đổi chóng mặt của thói quen, công nghệ, cũng như những kỳ vọng mới.
Những biến động lớn trên thị trường thế giới năm 2018

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: “Cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử”

Vào tháng 7/2018, với lý do mất công bằng thương mại và chịu thiệt hại bởi vấn nạn “ăn cắp” tài sản trí tuệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “bắn phát súng” khởi đầu cho cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Từ đó tới nay, Mỹ đã áp đặt các mức thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào quốc gia này và đe dọa sẽ tiếp tục sử dụng hàng rào thuế quan cao hơn với 267 tỷ USD hàng hóa nữa từ Trung Quốc.

Để đáp trả, Trung Quốc hiện đã áp thuế cao hơn với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ và đe dọa “sẽ có các biện pháp tương xứng” để đáp trả các hành động của Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định, đây sẽ là “cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế toàn cầu”, và các diễn biến tiếp theo vẫn rất khó lường.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính là sự kiện kinh tế đáng chú ý nhất trong năm 2018, khi đã tạo tâm lý tiêu cực tới giới đầu tư, tác động trực tiếp tới các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất trên toàn cầu.

Hợp pháp kinh doanh cần sa: Thị trường mới hấp dẫn

Vào ngày 17/10/2018, Canada trở thành quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn, gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất tính theo GDP và Liên minh châu Âu) hợp pháp hóa hoạt động phân phối và kinh doanh cần sa. Hoạt động kinh doanh cần sa tại Canada ngay lập tức thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường tài chính trên toàn cầu, với dự báo giá trị thị trường sẽ sớm đạt 20 tỷ USD trong những năm tới. Chưa kể, việc một ngành công nghiệp trái phép được công nhận hợp pháp không phải sự kiện thường diễn ra, nếu không muốn nói rằng rất hiếm hoi.

M&A toàn cầu sôi động: Gia tăng cả số lượng và giá trị

Đúng như Báo cáo Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu năm 2018 của Deloitte, 2018 là một năm tràn ngập cơ hội đối với các doanh nghiệp có mong muốn thu mua, thâu tóm thêm tài sản. Trong năm qua, cả số lượng và quy mô của các thương vụ M&A đều gia tăng, đặc biệt tại lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, giá trị các thương vụ M&A đã đạt 2,5 nghìn tỷ USD, báo hiệu đây sẽ là một năm phá vỡ các kỷ lục M&A từ trước tới nay.

Trong số các thương vụ lớn nhất, phải kể tới việc Microsoft thâu tóm nền tảng phát triển phần mềm GitHub với giá 7,5 tỷ USD; Walmart mua 77% cổ phần của nền tảng thương mại điện tử Flipkart tại Ấn Độ với giá 16 tỷ USD; IBM mạnh tay chi 34 tỷ USD để tóm gọn nhà phân phối phần mềm mã nguồn mở Red Hat và AT&T; hoàn tất việc thâu tóm Time Warner với 85 tỷ USD.

Elon Musk: Thành công lớn, tai tiếng nhiều

Nếu nhắc tới ngành công nghiệp ô tô năm 2018, không thể không nhắc tới Elon Musk. Vị CEO này từ lâu đã nổi tiếng bởi những sáng tạo không ngừng và liên tục gây bất ngờ. Do đó, ngay từ đầu năm, việc tên lửa Falcon Heavy được phóng thành công vào tháng 2/2018 đã khiến mọi người nghĩ rằng, đây sẽ là năm của Elon Musk.

Tuy nhiên, từ đó về cuối năm, tên tuổi Elon Musk thường xuyên được nhắc đến, nhưng với những sự kiện không lấy làm tích cực. Theo đó, các báo cáo mới công bố cho thấy, việc sản xuất mẫu ô tô Tesla Model 3 không lấy làm tích cực, tổn hại tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tesla, buộc Musk phải chuyển tới nhà máy Tesla tại California (Mỹ) để tập trung thúc đẩy hoạt động.

Đến tháng 8/2018, Musk đăng tải trạng thái trên Twitter cho biết ông sẽ rút niêm yết Tesla bằng cách mua lại cổ phiếu với giá 420 USD/cổ phiếu. Thông tin này ngay lập tức giúp giá cổ phiếu Tesla tăng vọt, mang lại niềm vui cho giới đầu tư, nhưng giới chức quản lý thì không lấy làm hài lòng.

Tới tháng 9/2018, Elon Musk bị Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ xử phạt vì đưa ra thông điệp gây hiểu nhầm. Cụ thể, cả Elon Musk và Tesla phải chịu phạt 20 triệu USD, trong khi Musk buộc phải tạm rời vị trí CEO của Công ty trong ít nhất 3 năm.

Doanh nghiệp công nghệ: Con cưng lần đầu bị hắt hủi

2018 không phải là một năm dễ chịu đối với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới khi giá cổ phiếu liên tục lao dốc. Đáng chú ý, nhóm FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Google và Netflix) – nhóm doanh nghiệp công nghệ khổng lồ vốn luôn là con cưng của giới đầu tư đã chứng kiến giá trị thị trường bốc hơi khoảng hơn 600 tỷ USD kể từ mức đỉnh gần nhất trong năm 2018.

Trong đó, Facebook chịu thiệt hại nặng nề nhất, khi giá cổ phiếu giảm hơn 30% so với đỉnh vào tháng 7, thổi bay 188 tỷ USD giá trị thị trường. Nguyên nhân xuất phát từ những mối lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân và số lượng người sử dụng tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn.

Đặc biệt, một trong những sự kiện thu hút sự chú ý lớn trên thị trường tài chính toàn cầu là việc CEO Facebook Mark Zuckerberg phải ra điều trần về bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng liên quan đến Cambridge Analytica, với ít nhất 87 triệu khách hàng bị thu thập dữ liệu. Đáng chú ý, Cambridge Analytica là một công ty tư nhân chuyên về khai thác dữ liệu, môi giới và phân tích dữ liệu với truyền thông chiến lược chuyên dụng cho quá trình bầu cử. Và các cáo buộc cho rằng, vụ việc này liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Vụ tai nạn chết người đầu tiên gây ra bởi xe tự lái

Ước tính mỗi năm có khoảng 1,25 triệu người chết vì tai nạn giao thông trên toàn thế giới và lý do an toàn là yếu tố được kỳ vọng rất lớn đối với những tiến bộ công nghệ ở lĩnh vực xe tự lái. Do đó, vụ tai nạn chết người đầu tiên do xe tự lái gây ra ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt.

Vào tháng 3/2018, một xe tự lái của Uber đã gây tai nạn với một người phụ nữ 49 tuổi tại Tempe, Arizona, tạo nên tai nạn chết người đầu tiên liên quan tới xe tự lái tại Mỹ, cũng như trên toàn cầu.

Ngay lập lức, giới chức quản lý và các phương tiện truyền thông lên tiếng, nhấn mạnh tới vấn đề nguy hại cho an toàn của dân cư từ phương tiện tự lái, cũng như công nghệ phục vụ lĩnh vực này. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giới khoa học và các thành viên thị trường tài chính đã công bố những nghiên cứu cho thấy, xe tự lái chính là lời giải cho bài toán an toàn và kinh tế trong tương lai.

Vụ tai nạn trên xảy ra có thể tạo tác động làm lùi kế hoạch tham vọng của các công ty công nghệ tham gia vào lĩnh vực này.

Bán lẻ truyền thống “sụp đổ”: Ngày tàn sắp tới

Sự “sụp đổ” của ngành bán lẻ truyền thống tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2018, với hàng loạt tên tuổi lớn như J.C. Penny, Gap, Macy’s, Gues?, Urban Outfitters, Victoria’s Secret và Michael Kors… phải đóng cửa bớt các cửa hàng. Tuy nhiên, đau đớn nhất vẫn là những thương hiệu bán lẻ hàng đầu buộc phải ra đi như Toys “R” Us tại Mỹ và Sears tại Canada. Như vậy, các cửa hàng bán lẻ truyền thống đã chính thức thất thế trước sự thay đổi nhanh chóng của thói quen tiêu dùng, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Ước tính, hiện có 1.200 trung tâm thương mại tại Mỹ, và chỉ 50% trong số này có thể tồn tại tới năm 2023, nếu họ có thể thay đổi chiến lược kinh doanh.

Chuyên đề