Nhìn lại sự hưng thịnh của kỷ nguyên Đại Việt

(BĐT) - “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...”. Bài thơ Thần vang lên trên phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1076 là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định và khơi mở khí thế của kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự chủ - kỷ nguyên Đại Việt với các triều đại Lý, Trần và Lê sơ trải từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Ngược dòng lịch sử, lật giở cảo thơm có thể thấy các bậc tiền nhân đã tạo nên sự hưng thịnh của kỷ nguyên văn minh Đại Việt với những sách lược tài tình, đầy trí tuệ.
Các bậc tiền nhân đã tạo nên sự hưng thịnh của kỷ nguyên văn minh Đại Việt với những sách lược tài tình, đầy trí tuệ
Các bậc tiền nhân đã tạo nên sự hưng thịnh của kỷ nguyên văn minh Đại Việt với những sách lược tài tình, đầy trí tuệ

Xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh, thân dân 

Việc đầu tiên các vương triều thực hiện là xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh theo xu hướng trung ương tập quyền. Bộ máy nhà nước xây dựng với thiết chế ngày một chính quy, hoàn chỉnh với khuynh hướng tập quyền theo mô hình các thời Đường, Tống, Minh và hệ tư tưởng Nho giáo từ trung ương (triều đình) đến cơ sở (hương - giáp - xã). Đến đời Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến dân tộc đạt đến mức thịnh đạt nhất.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển bộ máy nhà nước thống nhất, không tránh khỏi tình trạng chống đối, cát cứ của các địa phương. Đối với các trường hợp trên, các nhà nước Lý, Trần và Lê sơ đều kiên quyết trấn áp. Có lúc phải sử dụng phương pháp bạo lực, nhưng kế sách chủ yếu của các triều đại là thắt chặt khối đoàn kết dân tộc và củng cố quốc gia phong kiến tập quyền.

Lúc bấy giờ, mối quan hệ giữa vua - tôi, giữa quý tộc và bình dân còn gần gũi. Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, thì “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Bình Ngô đại cáo) hay “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức” là yếu tố thành công của sự nghiệp giữ nước. Đất nước thái bình, các vương triều rất chú trọng đến chính sách thân dân, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” để xây dựng mối quan hệ gắn bó với nhân dân. 

Kết hợp phát triển kinh tế và quân sự

Là một quốc gia với nền nông nghiệp trồng lúa nước truyền thống, cho nên các triều đại đều hết sức chú trọng đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Các triều đại đều hết sức quan tâm đến việc đắp đê, làm thủy lợi, phòng chống lụt bão, hạn hán, bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp. Nhà Lý tổ chức đắp đê quai vạc, đê Cơ Xá; nhà Lê sơ cho đắp đê biển Hồng Đức, đào kênh nhà Lê. Thời Lê sơ đã thực hiện chính sách “quân điền” biến nông dân thành những “tá điền” lệ thuộc nhà nước, thu hẹp quyền tự trị của các công xã, đẩy mạnh quá trình phong kiến hóa. Chính sách này có tác dụng khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho nhà nước huy động được nhiều nhân lực, vật lực cho quốc phòng và chiến tranh. Thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp từng bước phát triển, góp phần hạn chế yếu tố phân tán trong xã hội, mở rộng giao lưu với nước ngoài.  

Nhà nước quân chủ thời Lý, Trần, Lê sơ có ý thức xây dựng một lực lượng quân sự mạnh gồm nhiều thứ quân, trong đó chủ yếu là quân triều đình và quân các lộ, trấn, đạo. Ở trung ương có cấm vệ quân bảo vệ vua, triều đình và Kinh đô Thăng Long; quân các lộ, trấn, đạo luôn canh giữ, bảo vệ địa phương mình. Thời Lý - Trần, các vương hầu, tôn thất còn được phép tổ chức những đội quân riêng để giúp vua đánh giặc.

Ngoài lực lượng vũ trang thường trực của trung ương và địa phương, ở Đại Việt còn có đội ngũ lực lượng vũ trang là “dân binh” rộng khắp các làng xã. Sự có mặt của lực lượng dân binh trong các cuộc kháng chiến chống Tống, chống Mông - Nguyên và chống Minh chứng tỏ tính chất nhân dân sâu rộng của hệ thống tổ chức quân sự và tính toàn dân của chiến tranh yêu nước thuở ấy. 

Phát triển giáo dục, mở mang văn hóa

Các triều đại đều hết sức chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện huy động nhân lực, vật lực cho quốc phòng. Thủ công nghiệp,  thương nghiệp từng bước phát triển, góp phần hạn chế yếu tố phân tán trong xã hội, mở rộng giao lưu với nước ngoài.
Năm 1070, nhà Lý cho dựng Văn Miếu, năm 1075 mở khoa thi đầu tiên, năm 1076 lập Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta. Đó là những sự kiện đầy ý nghĩa, đặt cơ sở cho sự ra đời nền giáo dục, thi cử nói chung và nền giáo dục đại học nói riêng của Việt Nam. Sản phẩm của giáo dục là tầng lớp trí thức Nho học ra đời. Các thế hệ trí thức được đào tạo bài bản đã tăng cường nhân sự cho bộ máy chính quyền nhà nước. Hay nói cách khác, đội ngũ quan lại xuất thân Nho học ngày càng đông đảo, “trí thức” hơn, có vị trí quan trọng, làm cho bộ máy nhà nước của các vương triều ngày càng chuyên nghiệp hơn, nhất là dưới triều Lê sơ. Trên tấm bia đầu tiên được dựng ở Quốc Tử Giám năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, Đại học sỹ Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất”.

Bên cạnh giáo dục, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Đại Việt thể hiện sự dung hòa, cùng tồn tại phát triển giữa các tôn giáo, tư tưởng lớn: Phật - Đạo - Nho, bên cạnh những tín ngưỡng dân gian truyền thống vẫn được cư dân làng xã duy trì và gìn giữ.

Trên nền tảng của tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc vững vàng, ảnh hưởng Nho - Phật - Đạo đã tạo nên nét đặc sắc trong đời sống tư tưởng của người Việt thời kỳ này. Văn học, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc đều phát triển trên tinh thần ấy và để lại những di sản vô giá trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Nền văn hóa Đại Việt qua lại, giao lưu đã tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Đó là một nền văn hóa vừa mang đậm tính dân tộc, vừa biểu thị tính đa dạng, phóng khoáng, cởi mở dung hợp mà trung tâm là văn hóa Thăng Long. 

Chính sách ngoại giao mềm dẻo

Trong thời kỳ này, các vương triều có quan hệ bang giao với nhiều nước, đặc biệt là tập trung coi trọng mối quan hệ với các triều đại phong kiến Trung Quốc: Tống, Nguyên, Minh.

Đối với họ, Đại Việt thi hành những chính sách hòa hiếu mềm dẻo nhưng kiên quyết trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vào thời kỳ chiến tranh, thực hiện đấu tranh ngoại giao kết hợp với các hoạt động quân sự. Chiến lược “công tâm” của Nguyễn Trãi mang lại hiệu quả rất lớn. Với những thắng lợi quyết định, các vương triều Đại Việt kết hợp những biện pháp chính trị, ngoại giao mềm mỏng, khôn ngoan để chấm dứt chiến tranh, kiến tạo hòa bình. Đối với các vương quốc phía Tây và phía Nam, thái độ của Đại Việt là giao hảo thân thiện, nhưng mỗi khi biên giới bị xâm lấn thì kiên quyết trừng phạt để giữ yên bờ cõi.

Có thể nói, trong quan hệ ngoại giao, các triều đình Lý, Trần và Lê sơ đã thi hành đường lối ngoại giao sáng suốt, linh hoạt: kiên quyết, mềm mỏng, nhún nhường có điều kiện với nước lớn; khoan hòa, linh hoạt nhưng nghiêm khắc với nước nhỏ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền. Sự kết hợp giữa sức mạnh nội lực với đường lối đối ngoại khôn khéo đã đem lại hiệu quả to lớn, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, giữ vững hòa bình để dựng xây đất nước.

“Ôn cố tri tân”, nhìn lại những kinh nghiệm lịch sử của cha ông trong xây dựng và bảo vệ đất nước của kỷ nguyên văn minh Đại Việt hiển hách để mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay suy ngẫm, chuẩn bị “tâm”, “thế” của một Việt Nam đổi mới, sẵn sàng hội nhập, vì một Việt Nam hùng cường và “non sông nghìn thuở vững âu vàng” như khát vọng của lớp lớp thế hệ người Việt chúng ta.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư