Bà Mạnh Vãn Chu, hiện được tại ngoại và bị quản thúc một phần tại tư gia, rời căn nhà tại Vancouver của mình để tham dự một phiên tòa vào ngày 24/9/2019 - Ảnh: AP. |
Ngày 1/12/2018, khi Mạnh Vãn Chu bước xuống khỏi máy bay của hãng Cathay Pacific tại sân bay Vancouver (Canada), ít ai biết rằng bà sắp trở thành một quân cờ trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vụ bắt giữ chấn động toàn cầu
Bà Mạnh Vãn Chu là giám đốc tài chính (CFO) của hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies và là con gái của người sáng lập công ty - Nhậm Chính Phi. Sau khi xuống máy bay, bà Mạnh bị lực lượng hải quan Canada kiểm tra đồ đạc, thẩm vấn trong 3 giờ về vai trò của bà tại Huawei và bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Dù tới tận ngày 5/12, thông tin bà Mạnh bị bắt mới được công bố, giới chức tại Bắc Kinh đã có nhiều cuộc gọi yêu cầu nhà chức trách Canada lập tức thả nữ giám đốc Huawei, theo tờ SCMP.
Hồ sơ tòa án sau đó cho thấy Mỹ đã phát lệnh bắt giữ bà Mạnh vài tháng trước đó với cáo buộc bà bao che cho các công ty có liên quan tới Huawei bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với quốc gia này.
"Đó là thời điểm mà thứ được gọi là chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhận được sự quan tâm rộng rãi trên toàn cầu", Paul Haswell, đối tác tư vấn cho công ty công nghệ tại hãng luật quốc tế Pinsent Masons, cho biết. "Tôi cho rằng việc bắt giữ bà Mạnh là lần đầu tiên Mỹ đưa ra động thái mạnh mẽ chống lại một hãng công nghệ lớn của Trung Quốc".
Haswell chỉ ra rằng, tranh chấp về công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu nhen nhóm từ khoảng hai thập kỷ trước, khi mối quan ngại về việc ép buộc chuyển giao công nghệ của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Ông cho biết các trường hợp vi phạm quyền sở hữu tài sản trí tuệ và chiến thuật định giá của các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc - rẻ hơn so với các đối thủ phương Tây, đã khiến xung đột ngày càng trầm trọng.
Từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu hơn một năm trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều động thái chống lại các hãng công nghệ Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Những hành động gây áp lực lên Huawei của Mỹ với cáo buộc công ty này làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc bắt đầu leo thang từ đó.
Tháng 5/2019, Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất và sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại, cấm tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ công nghệ của Mỹ. Đến nay, Huawei, có trụ sở tại Thâm Quyến vẫn khẳng định Washington không có bằng chứng nào cho cáo buộc công ty này dùng sản phẩm của mình để làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Một số quan chức Mỹ cho rằng lệnh cấm với Huawei có thể khiến các nhà cung cấp của Huawei tại Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm, và có thể làm tê liệt ngành công nghệ nước này. Tuy nhiên, những người cứng rắn hơn khẳng định Trung Quốc vẫn là một mối đe dọa về an ninh cần phải xử lý.
"Cấm vận của Mỹ với Huawei khó được nới lỏng trong 2020"
Việc bà Mạnh bị bắt khiến ông Nhậm Chính Phi - người sáng lập, CEO của Huawei, phải lên tiếng trước truyền thông. Trước đó, ông luôn ủy quyền cho cấp dưới phát biểu trước công chúng. Hiện tại, ông xuất hiện khắp nơi, khi những biến động về kinh tế và chính trị vẫn đe dọa đẩy hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Huawei đến bờ vực.
Các luật sư của bà Mạnh đang đấu tranh để chống lại yêu cầu của Washington nhằm dẫn độ bà từ tới Mỹ. Họ cho rằng những thông tin trên truyền thông về cuộc chiến chống dẫn độ này sẽ gây bất lợi cho bà Mạnh bởi có thể thu hút sự chú ý của Tổng thống Trump và có khả năng ông sẽ can thiệp vào vụ việc này. Phiên điều trần dẫn độ chính thức của bà Mạnh dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 1/2020 và kéo dài tới tháng 10 hoặc tháng 11/2020. Bà hiện được tại ngoại và quản thúc một phần tại tư gia ở Vancouver sau khi trả 7,5 triệu USD tiền bảo lãnh hồi tháng 12 năm ngoái.
Theo SCMP, "cuộc chiến" pháp lý này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Canada dường như không thể giải quyết những mâu thuẫn sau khi Ottawa bắt giữ bà Mạnh và Bắc Kinh bắt giam hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc gián điệp.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Nhật gần đây, tân Bộ trưởng Ngoại giao Canada François-Philippe Champagne cho biết "ưu tiên tuyệt đối" của ông khi gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị là kêu gọi thả hai công dân Canada trên. Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc tại Canada, Cong Peiwu, đã nhiều lần nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh rằng bà Mạnh phải được thả tự do.
"Dù còn cả một chặng đường dài để xem liệu những cáo buộc chống lại bà Mạnh có đứng vững hay không, một điều chúng ta học được là, bất kỳ ai cũng phải tuân theo luật pháp của các khu vực khác nhau khi kinh doanh ở nước ngoài", ông Haswell của Pinsent Mason nhận định.
Theo SCMP, Phía Washington đang cân nhắc việc cấm bán thêm nhiều sản phẩm công nghệ Mỹ cho Huawei, trong bối cảnh nhiều đồn đoán cho rằng nỗ lực đạt thỏa thuận thương mại tạm thời với Bắc Kinh tiến triển chậm hơn dự kiến.
"Trong năm 2020, chúng tôi dự báo các lệnh cấm vận của Mỹ với Huawei sẽ không được nới lỏng", Jean Baptiste Su, nhà phân tích trưởng tại hãng nghiên cứu Atherton Research, có trụ sở ở San Jose, California, Mỹ, cho biết. "Ngược lại, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, trước khi có dấu hiệu khởi sắc".