Nhiều tiêu chí làm khó nhà thầu bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, Báo Đấu thầu tiếp nhận nhiều kiến nghị của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về các hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra tiêu chí gây hạn chế, làm khó nhà thầu. Thậm chí, một số tiêu chí còn mang tính “chỉ mặt đặt tên” với chỉ 1 nhà thầu đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
Có gói thầu bảo hiểm rủi ro trong quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện, HSMT yêu cầu nhà thầu phải gửi kèm theo bản gốc hoặc bản chụp có chứng thực các văn bản, tài liệu liên quan đến các hợp đồng...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Có gói thầu bảo hiểm rủi ro trong quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện, HSMT yêu cầu nhà thầu phải gửi kèm theo bản gốc hoặc bản chụp có chứng thực các văn bản, tài liệu liên quan đến các hợp đồng...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đơn cử, theo phản ánh của nhà thầu, một gói thầu bảo hiểm công trình thuộc dự án xây dựng kè giá trị không lớn, không phức tạp, trên thị trường có rất nhiều công ty bảo hiểm đủ năng lực, uy tín và kinh nghiệm để thực hiện. Tuy nhiên, HSMT đưa ra nhiều tiêu chí khá khó, như tỷ lệ biên khả năng thanh toán tại thời điểm 31/12/2020 230%; nhà thầu phải có quỹ dự phòng nghiệp vụ 4.000 tỷ đồng tính tới thời điểm 31/12/2020; dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2020 4.000 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận ROE tính đến thời điểm 31/12/2020 15%. Ngoài ra, HSMT nêu rõ: tiêu chí về tỷ lệ biên khả năng thanh toán và ROE này áp dụng chung cho các nhà thầu, bao gồm cả nhà thầu độc lập hay từng thành viên liên danh (đối với nhà thầu liên danh) đều phải đạt.

Tại một gói thầu bảo hiểm công trình thuộc dự án phát triển đô thị, ở tiêu chuẩn đánh giá, HSMT nêu “đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh song phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh”. Tuy nhiên, tại bảng tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, thì nhiều tiêu chí về năng lực nhà thầu như vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2020, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc bình quân năm 2018, 2019, 2020; chỉ tiêu thay đổi vốn chủ sở hữu trong từng năm; lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong vòng 3 năm trở lại đây; ROE… lại quy định đánh giá theo thành viên đứng đầu liên danh. Và theo tính toán của nhiều nhà thầu, để đạt được điểm tối thiểu tất cả các mục như HSMT đưa ra thì tại Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp đáp ứng và nếu liên danh cũng phải có 2 doanh nghiệp đó đứng đầu liên danh.

Có gói thầu bảo hiểm rủi ro trong quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện, HSMT yêu cầu nhà thầu phải gửi kèm theo bản gốc hoặc bản chụp có chứng thực các văn bản, tài liệu liên quan đến các hợp đồng, bao gồm hợp đồng bảo hiểm, xác nhận của chủ đầu tư về hợp đồng đã hoàn thành hoặc biên bản nghiệm thu, thanh lý, quyết toán… Trong khi theo chuyên gia, lĩnh vực bảo hiểm khá đặc thù so với xây lắp hay mua sắm hàng hóa. Khi hết thời gian hợp đồng, nhà thầu có thể vẫn còn trách nhiệm nếu có rủi ro xảy ra trong thời gian hợp đồng vẫn đang trong quá trình xử lý. Có những rủi ro mà thời gian giám định thiệt hại kéo dài khá lâu dù thời gian hợp đồng đã hết, nên chủ đầu tư chưa xác nhận hoàn thành hợp đồng. Thông thường, hợp đồng bảo hiểm tài sản được coi là hoàn thành khi hết thời hạn bảo hiểm, không cần khách hàng xác nhận hay thanh lý hợp đồng như các hợp đồng kinh tế khác. Nhiều nhà thầu cho biết, việc xin xác nhận này khá khó nếu không quan hệ tốt với chủ đầu tư.

Dù số lượng công trình vốn nhà nước phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm vận hành, bảo hiểm tài sản… là rất lớn, nhưng hiện nay, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tham gia đấu thầu không nhiều. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đến nay toàn thị trường có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Trong đó, các doanh nghiệp có thị phần lớn và tham gia đấu thầu nhiều chỉ khoảng trên dưới 10 doanh nghiệp, là PVI, Bảo Việt, PTI, Bảo Minh, MIC, Pjico, BIC, Bảo Long, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Tổng công ty CP Bảo hiểm hàng không (VNI).

Do số lượng nhà thầu không nhiều, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp hầu hết đã được công bố, nên nhiều trường hợp người trong ngành chỉ cần đọc HSMT là có thể đoán được nhà thầu nào trúng thầu.

Thực tế, trong những kiến nghị mà nhà thầu đã phản ánh đến Báo Đấu thầu, dự đoán nhà thầu trúng thầu dựa theo tiêu chí tại HSMT khi so sánh với kết quả được công bố sau đó đều đúng. Rất nhiều trường hợp, nhà thầu được định danh cũng là nhà thầu đã trúng các kỳ bảo hiểm trước đó tại cùng một chủ đầu tư.

Chuyên đề