Tuyên bố chung của Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa kêu gọi phải “tiếp tục đối thoại quốc tế” để loại bỏ “những chính sách bóp méo thị trường” và thúc đẩy sự minh bạch lớn hơn trong ngành công nghiệp thép toàn cầu, BBC đưa tin hôm 20/4.
Đại diện của hơn 30 nước gặp nhau trong một hội nghị quốc tế tại Bỉ hôm 18/4 nhằm tìm ra biện pháp đối phó cuộc khủng hoảng thừa thép, nhưng cũng chỉ đưa ra được kết luận rằng, cần giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa một cách nhanh chóng và có tổ chức. Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc và tuyên bố Bắc Kinh có thể đối mặt biện pháp trừng phạt thương mại nếu không cắt giảm sản xuất thép. Nhưng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cho rằng họ trợ giá cho các công ty sản xuất thép để bán phá giá. Hội nghị kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chính thức nào.
Ngành công nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc không ngừng mở rộng. Trong 25 năm qua, quy mô sản xuất thép của nước này đã tăng 12 lần. Trong khi đó, sản lượng của EU giảm 12%, còn của Mỹ đứng yên. Động lực đằng sau sự phát triển chóng mặt của ngành thép Trung Quốclà nền kinh tế tăng trưởng 2 con số trong vài thập kỷ qua. Nhưng kinh tế đang phát triển chậm lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu nội địa của nước này. Vì thế, thép Trung Quốc được bán ra thị trường quốc tế với giá cực kỳ thấp, thậm chí dưới giá thành. Hậu quả là các hãng sản xuất thép ở nhiều nước khác ngày càng khó cạnh tranh. Tuy nhiên, hãng thông tấn Xinhua vừa cho rằng, đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra vấn đề cho ngành thép toàn cầu là “khập khiễng và biện minh cho sự bảo hộ”.
Hôm 19/4, Trung Quốc nói rằng, sản lượng thép của họ đạt mức kỷ lục trong tháng 3 vì lợi nhuận tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng. Khi nhu cầu trong nước đang chậm lại, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc nhiều nước chỉ trích các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm ra nước ngoài, rằng họ không chỉ bán rẻ nhờ chi phí sản xuất thấp hơn, mà còn bán với giá dưới chi phí sản xuất.
Theo các nhà phân tích, trong khi các nước khác than phiền về thép giá rẻ Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp của họ phá sản, bản thân Trung Quốc cũng đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Sự bùng nổ quy mô sản xuất trong những năm qua cho thấy nếu cắt giảm sản xuất sẽ dẫn đến mất nhiều việc làm, tăng nguy cơ gây ra bất ổn xã hội ở nước này. Vì thế, khó có khả năng Trung Quốc sẽ giảm mạnh sản lượng, và nếu nhu cầu nội địa không tăng, thép rẻ Trung Quốc sẽ vẫn ảnh hưởng thị trường toàn cầu.
Hãng thép Tata của Ấn Độ gần đây thông báo sẽ rút khỏi thị trường Anh do thép giá rẻ tràn vào, chủ yếu từ Trung Quốc. Đầu tháng này, Ấn Độ mở một cuộc điều tra khả năng thép từ 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đang bị bán phá giá. Tuần trước, hơn 40.000 công nhân sản xuất thép ở Đức xuống đường biểu tình phản đối thép Trung Quốc bị bán phá giá, khiến họ có nguy cơ mất việc. Trung Quốc đang là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, cung cấp 822 triệu tấn mỗi năm.