Trụ sở Ngân hàng Trung ương Indonesia ở Jakarta - Ảnh: Reuters/Nikkei. |
Ngân hàng trung ương nhiều nước ở Đông Nam Á đang có những động thái để bảo vệ nền kinh tế và thị trường tài chính trong nước khỏi sự bấp bênh gây ra bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Dù không nâng lãi suất khi kết thúc cuộc họp vào ngày 8/11, FED dự kiến sẽ có lần nâng lãi suất thứ tư trong năm 2018 vào tháng 12. Những dự báo cho rằng FED sẽ tiếp tục nâng dần lãi suất đồng USD đã khiến thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 1,3%, tuột khỏi mức đỉnh của 1 tháng thiết lập hôm thứ Năm. Chỉ số Nikkei của chứng khoán Nhật mất 1,05%.
Theo tờ báo Nikkei Asia Review, các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á đã và đang có các biện pháp đề phòng tác động của việc FED tiếp tục nâng lãi suất.
Hôm thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Indonesia và Ngân hàng Trung ương Singapore đã nhất trí về một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ 7 tỷ USD và một thỏa thuận repo 3 tỷ USD.
"Trong bối cảnh bấp bênh kinh tế toàn cầu, hợp tác kinh tế là trọng tâm của chúng tôi", Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói.
Với hai thỏa thuận trên, Singapore sẽ giúp Indonesia củng cố niềm tin của nhà đầu tư, giảm bớt tình trạng đầu cơ bán khống tài sản nước này. Đồng Rupiah của Indonesia mới đây đã giảm dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 15.000 Rupiah đổi 1 USD, chạm đáy của 20 năm. Tuy nhiên, tỷ giá đồng tiền này đã dần ổn định trở lại sau khi thỏa thuận với Singapore được ký kết.
Từ tháng 5 đến nay, Indonesia đã nâng lãi suất 5 lần để hỗ trợ tỷ giá đồng Rupiah. Theo dự kiến, nước này sẽ còn nâng lãi suất trong thời gian từ nay đến cuối năm để ngăn đồng nội tệ tiếp tục giảm giá.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan hiện giữ lãi suất ở mức khá thấp 1,5%, nhưng được dự báo sắp có đợt nâng lãi suất đầu tiên trong 7 năm.
Áp lực nâng lãi suất đối với các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á đang ngày càng lớn theo kỳ vọng FED tiếp tục tăng lãi suất. Nếu không nâng lãi suất, các nền kinh tế trong khu vực có thể đối mặt nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn ồ ạt và đồng nội tệ rớt giá nhanh.
Thị trường chứng khoán Indonesia giảm 1,5% trong phiên sáng ngày thứ Sáu sau tín hiệu sẽ duy trì tiến độ nâng lãi suất từ FED. Sắc đỏ cũng phủ khắp các thị trường Singapore, Thái Lan, Philippines và Malaysia.
Ngoài sức ép từ lãi suất tăng ở Mỹ, các ngân hàng trung ương Đông Nam Á còn lo về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do vị trí gần kề của khu vực với Trung Quốc.
Ngân hàng Trung ương Philippines đã có động thái tăng lãi suất thứ tư liên tiếp trong năm nay vào cuối tháng 9. Ngân hàng Trung ương Singapore cũng thắt chặt chính sách tiền tệ trong hai cuộc họp Hội đồng Thống đốc trong năm nay, diễn ra vào tháng 4 và tháng 10.
Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thiết lập một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc. Thỏa thuận có tên Sáng kiến Chiang Mai này có trị giá 240 tỷ USD. Ngoài ra, nhiều nước trong khu vực cũng có các thỏa thuận hoán đổi tiền song phương với các quốc gia khác như Nhật Bản và Trung Quốc.
Những khuôn khổ này giúp các quốc gia cải thiện tín nhiệm trong trường hợp có biến động lớn về tỷ giá. Tuy nhiên, cho tới nay, Sáng kiến Chiang Mai chưa lần nào được sử dụng.
Mặc dù vậy, mối lo của các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á hiện nay là dòng vốn có thể chảy mạnh khỏi khu vực do lãi suất nâng lên ở Mỹ, trong khi tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là điều còn chưa rõ ràng. Trong bối cánh như vậy, các ngân hàng trung ương Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục cân nhắc các biện pháp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.