Nhiều lợi ích khi đấu thầu điện gió ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù đã có bước phát triển mạnh mẽ về năng lượng tái tạo trong những năm gần đây, nhưng Việt Nam vẫn đi sau nhiều nước trên thế giới trong lĩnh vực này. Để hướng tới một thị trường cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý định hình chính sách để chuyển đổi sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi.
Đấu thầu dự án điện gió ngoài khơi giúp thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia, từ đó lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực. Ảnh: Bùi Văn Thịnh
Đấu thầu dự án điện gió ngoài khơi giúp thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia, từ đó lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực. Ảnh: Bùi Văn Thịnh

Minh bạch thông tin, giảm thiểu rủi ro

Tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Kinh nghiệm Đan Mạch trong đấu thầu dự án điện gió ngoài khơi” thuộc chuỗi hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo diễn ra từ ngày 17 - 21/8/2021, nhiều chuyên gia điện gió cho rằng, thực hiện cơ chế đấu thầu điện gió ngoài khơi sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Ông Malte Möller Christensen, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội cho biết, Đan Mạch là quốc gia tương đối phát triển về điện gió ngoài khơi nhờ thực hiện đấu thầu. “Điều quan trọng trong đấu thầu là đảm bảo thông tin đến với các bên đầy đủ”, ông Malte Möller Christensen cho biết.

Về cơ bản, Đan Mạch có 5 bước đấu thầu với các tiêu chí rõ ràng. Các tiêu chí sơ tuyển sẽ gồm năng lực chuyên môn kỹ thuật và năng lực tài chính. Các khảo sát sơ bộ về địa điểm, địa chất, môi trường… là thách thức đối với các đơn vị tham gia đấu thầu. Ngoài ra, Đan Mạch quan tâm nhất đến sự phát triển bền vững và hạn chế rủi ro, đặc biệt khi Covid-19 đang ảnh hưởng đến các bên tham gia. Với kinh nghiệm 25 năm trong ngành, Đan Mạch đã hoàn thành bộ khung cơ chế đấu thầu bền vững và rõ ràng.

Bà Camilla Holbech, Tham tán năng lượng lĩnh vực điện gió ngoài khơi thuộc Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội đánh giá, cơ chế đấu thầu điện gió ngoài khơi đã giúp Đan Mạch giảm tối đa rủi ro cho các dự án nhờ việc thu hút được đông đảo nhà đầu tư tham gia, từ đó lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận nhấn mạnh: “Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió là hình thức rất minh bạch, đảm bảo cơ hội công bằng cho tất cả các nhà đầu tư tham gia. Đây cũng là xu thế chung của thế giới”.

Theo ông Thịnh, về dài hạn, Việt Nam cần chuyển đổi sang cơ chế này để phát triển các dự án điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi, chấm dứt tình trạng xin - cho khi thực hiện cơ chế giá mua điện gió cố định (FIT). Bởi, nếu tình trạng xin - cho vẫn tiếp diễn như hiện nay có thể đẩy nhà đầu tư điện gió vào khó khăn, nguy cơ thị phần rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn.

Làm gì để chuyển đổi?

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, cơ chế giá FIT sẽ kết thúc vào ngày 31/10 tới. Như vậy, tính đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa cơ chế giá FIT hết hiệu lực. Sau mốc thời gian này, Việt Nam sẽ gia hạn cơ chế giá FIT hay chuyển sang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để phát triển các dự án điện gió vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm đấu thầu dự án điện gió của một số quốc gia trên thế giới, các chuyên gia cho biết, mỗi quốc gia có cách áp dụng khác nhau, nhưng từ khóa cho Việt Nam sẽ là “chuyển đổi”. Bởi nếu không có quá trình chuyển tiếp sẽ dẫn đến các khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, trước khi áp dụng cơ chế đấu thầu, Việt Nam nên có bước đệm trong chính sách đối với giai đoạn này, đảm bảo quá trình chuyển đổi một cách nhịp nhàng, bền vững.

Một nghiên cứu của Hội đồng Điện gió toàn cầu cho thấy, các thị trường điện gió ngoài khơi thành công bắt đầu với một kế hoạch hỗ trợ ổn định, chẳng hạn như một biểu giá FIT, sau đó chuyển sang đấu thầu bằng cách cung cấp tầm nhìn lâu dài của các quy định và tư vấn về nguyên tắc. Hiện tại, giá FIT cho điện gió ngoài khơi sắp hết hạn, do đó, một biểu giá FIT mới cho điện gió ngoài khơi nên được áp dụng ngay từ bây giờ để hỗ trợ giai đoạn đầu với 4 - 5 GW kết nối với lưới điện, trước khi thực hiện cơ chế đấu thầu.

Theo ông Thịnh, sau ngày 31/10/2021, dù thế nào thì cũng phải có cơ chế thay thế. Nếu chưa có ngay cơ chế đấu thầu thì rất cần có giá FIT mới để cứu các dự án điện gió đang dở dang do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa kịp về đích trước ngày 31/10. Cơ chế chuyển đổi phải phù hợp thì đấu thầu phát triển dự án điện gió mới thực sự hiệu quả.

Chuyên đề