Nhiều lo lắng về rủi ro lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá cả hàng hóa tăng cao ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, nhiều người dân chật vật với cuộc sống, nhiều công trình giãn, hoãn tiến độ thi công, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ nên ưu tiên kiểm soát lạm phát bằng các công cụ như giảm thuế, kiểm soát giá, kiểm soát đầu cơ, sử dụng quỹ bình ổn giá, đồng thời, có giải pháp căn cơ ổn định nguồn cung ứng hàng hóa.
Kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô được coi là một trong những giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm nay. Ảnh: Tiên Giang
Kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô được coi là một trong những giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm nay. Ảnh: Tiên Giang

Tại buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội ngày 25/5, đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị nêu quan điểm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018 - 2021 là điều đáng ngại với khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh giá cả nhiều loại hàng hóa đầu vào của sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng đi lên.

“Đáng chú ý, giá xăng, dầu tiếp tục leo thang, đẩy chi phí sản xuất kinh doanh của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Nhiều cử tri và nhân dân băn khoăn khi nội dung giải trình về việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ vẫn chưa nêu rõ các giải pháp căn cơ chiến lược, bao gồm công tác chuẩn bị nguồn cung ứng hàng thiết yếu. Chính phủ nên có báo cáo về khả năng đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong tương lai”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang, đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết, cử tri và nhân dân rất lo lắng về tình trạng giá cả các mặt hàng đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao trong khi giá cả các loại nông sản bấp bênh.

“Mong Chính phủ có nhiều giải pháp ổn định giá hiệu quả để người nông dân yên tâm sản xuất. Nên chăng, xem xét có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý các trường hợp tích trữ nhằm đẩy giá cả hàng hóa, cần có sự phối hợp tích cực và hiệu quả hơn nữa giữa các đội quản lý thị trường để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý”, đại biểu Tô Ái Vang nêu quan điểm.

Từ góc độ khác, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều công trình, dự án phải giãn, hoãn tiến độ thi công do giá xăng dầu, sắt thép tăng quá cao. Tình trạng này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, do đó, cần có các giải pháp gỡ khó kịp thời.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP.HCM, nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong tình trạng người dân đã rất khó khăn sau 2 năm đại dịch. Do đó, Chính phủ cần sớm xem xét sử dụng các công cụ thuế để giảm giá xăng dầu, kiểm soát đầu cơ, vận hành hiệu quả các quỹ bình ổn giá để kiểm soát lạm phát càng sớm càng tốt.

Làm rõ hơn tác động của diễn biến lạm phát ở nhiều quốc gia đối với Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của nhiều nước đã ở mức kỷ lục và ngân hàng trung ương các nước đã mạnh tay tăng lãi suất để ứng phó.

“Trong tình thế như vậy, các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đã xác định rõ trọng tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất, trong đó, giữ mặt bằng giá cả ổn định là ưu tiên chính sách hiện nay dù rất khó khăn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bối cảnh thế giới và trong nước cho thấy tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2022 còn rất nhiều khó khăn, trong đó, giá xăng dầu, vật tư đầu vào của sản xuất tăng rất cao đã và đang ảnh hưởng đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô được coi là một trong những giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ cũng tập trung thực hiện giải pháp chiến lược về đa dạng hóa chuỗi cung ứng, xây dựng nền kinh tế tự chủ, có tính chống chịu, có khả năng thích ứng cao hơn, chủ động hội nhập quốc tế. Những nội dung này sẽ được làm rõ và sâu sắc hơn trong các báo cáo về kinh tế - xã hội và trong công tác chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Chuyên đề