Nhiều “lỗ hổng” trong đấu giá quyền sử dụng đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vụ việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, bất cập trong hoạt động đấu giá đất, để lại hệ lụy không nhỏ cho môi trường đầu tư. Một số địa phương đề xuất sớm khắc phục những bất cập liên quan tới khoản tiền đặt trước hiện được cho là quá thấp, khiến người tham gia đấu giá dễ dàng bỏ cọc; thống nhất trong thẩm định năng lực người tham gia đấu giá; hạn chế tình trạng đột biến về giá trúng đấu giá...
Việc xem xét năng lực triển khai dự án và năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất là một “lỗ hổng” cần được khắc phục. Ảnh: Tiên Giang
Việc xem xét năng lực triển khai dự án và năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất là một “lỗ hổng” cần được khắc phục. Ảnh: Tiên Giang

Từ thực tế tổ chức đấu giá đất, UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, quy định khoản tiền đặt trước từ “tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá” theo quy định của Luật Đấu giá tài sản là quá thấp. Quy định này dẫn tới hiện tượng các đối tượng không đủ năng lực tài chính, không có nhu cầu nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá nhằm trục lợi hoặc tham gia với mục đích gây khó khăn, nhũng nhiễu hoạt động đấu giá.

Ngoài ra, theo UBND tỉnh Hậu Giang, việc thẩm định điều kiện tham gia đấu giá đối với dự án có sử dụng đất chưa được quy định cụ thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Cụ thể, pháp luật về đất đai yêu cầu người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì “thời điểm thẩm định được thực hiện trước khi tổ chức phiên đấu giá QSDĐ”. Song, pháp luật về đất đai chưa quy định cụ thể về thời gian, cách thức, chủ thể tham gia thẩm định các điều kiện trên dẫn đến mỗi địa phương có cách thực hiện khác nhau gây khó khăn cho tổ chức đấu giá tài sản.

Tại Bình Định, UBND Tỉnh cho biết, thời gian qua, hoạt động đấu giá QSDĐ tại địa phương này chưa xảy ra hiện tượng bất thường. Tuy nhiên, tại một số địa phương khác, tình trạng người tham gia đấu giá trả giá cao và trúng đấu giá, sau đó không nộp tiền sử dụng đất và chấp nhận mất tiền đặt trước nhằm đẩy mặt bằng giá đất khu vực lân cận lên cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ với việc thu hút đầu tư. Để hạn chế tình trạng này, cần bổ sung chế tài quy định các cá nhân, tổ chức trúng đấu giá bỏ cọc hoặc không nộp tiền sử dụng đất không được tham gia đấu giá QSDĐ trong 3 năm; dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực.

Liên hệ với thực tiễn đấu giá QSDĐ tại Thủ Thiêm, nhiều chuyên gia đấu giá nhìn nhận, quy định về tiền đặt cọc tối đa 20% giá khởi điểm khiến người tham gia đấu giá dễ dàng bỏ cọc, gây hệ lụy rất lớn. Ngoài ra, việc xem xét năng lực triển khai dự án và năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá cũng là “lỗ hổng” cần được khắc phục ngay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chỉ ra một số kẽ hở trong vụ việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa qua mà pháp luật cần hoàn thiện. Đó là, tiền đặt trước (sẽ chuyển thành tiền đặt cọc khi trúng đấu giá) tối đa ở mức 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá nhưng lại không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm, hoặc cam kết nộp bổ sung nếu họ trả giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. Quy trình đánh giá năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá còn lỏng lẻo. Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện “có năng lực tài chính” hoặc “không vi phạm pháp luật về đất đai” của nhà đầu tư tham gia đấu giá QSDĐ.

Theo bà Phạm Thị Bình, Giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Hoàng Gia, không chỉ đặt cọc 20% giá khởi điểm mà còn phải yêu cầu doanh nghiệp chứng minh năng lực tài chính khi tham gia đấu giá; xem xét lịch sử quá trình thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp để đánh giá năng lực của họ. Nhìn lại các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất ở Thủ Thiêm có thể thấy, nội dung này hoàn toàn bỏ ngỏ. Thậm chí, có doanh nghiệp mới được thành lập vài tháng trước thời điểm đấu giá, vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng, nhưng tham gia đấu giá đất lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, có thể quy định ngay từ trong quy chế đấu giá, doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp đủ 20% giá trúng đấu giá (không phải giá khởi điểm) ngay sau khi trúng đấu giá thì mới được ký hợp đồng.

Chuyên đề