Nhiều lĩnh vực gặp khó với quy định mới về an toàn tín dụng

(BĐT) - Các nội dung mới tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đánh giá là có tác động tích cực cho việc kiểm soát rủi ro trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn về cách thức kiểm soát cụ thể để bảo đảm an toàn cho dòng vốn tín dụng.
Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn từ 1/10/2022 sẽ là 30%. Ảnh: Tường Lâm
Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn từ 1/10/2022 sẽ là 30%. Ảnh: Tường Lâm

Không ngại với lộ trình thực hiện

Điểm đáng chú ý tại Thông tư 22 là lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn: 1/1/2020 - 30/9/2020 là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và từ 1/10/2022 sẽ chỉ còn là 30%.

Lộ trình này được cho là “dễ chịu” hơn nhiều so với dự thảo trước đó với quy định “áp dụng chỉ tiêu tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ mức 40% đến hết tháng 6/2020, sau đó giảm xuống 30% từ tháng 7/2021 hoặc từ tháng 7/2022”.

Đánh giá về tác động của quy định mới này, TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia ngân hàng nói: “Phân tích các chủ thể liên quan cho thấy, doanh nghiệp bất động sản có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi vì, các doanh nghiệp này vẫn dựa khá nhiều vào dòng vốn từ hệ thống ngân hàng với chủ yếu nhu cầu về vốn trung và dài hạn. Do đó, nếu siết càng nhanh thì các dự án bất động sản và cả thị trường sẽ chịu tác động đáng kể. Tôi nghĩ, đó cũng là một trong những lý do mà NHNN đã chọn phương án giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống mức 30% theo lộ trình 3 năm và điều chỉnh giảm dần 3% theo từng mốc thời gian”.

Về khả năng đáp ứng quy định mới này của các ngân hàng, theo ông Tín, các ngân hàng có đủ thời gian để chuẩn bị và đáp ứng đúng quy định. “Điều quan trọng nhất đạt được khi thực hiện chủ trương này là giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng có trách nhiệm hơn, họ phải suy xét, cân nhắc kỹ càng khi cho vay các khoản vay trung, dài hạn. Theo xu hướng này, ngân hàng chỉ là kênh cấp vốn ngắn hạn, còn DN muốn vay vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn”.

Từ góc độ các doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng từ chính sách mới nói trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng như quy định về hệ số rủi ro các khoản vay là phù hợp với các đề xuất trước đó của HoREA. “Việc thực hiện các quy định mới có lộ trình từng giai đoạn giúp doanh nghiệp bất động sản có thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, quy định mới đưa tín dụng tiêu dùng về nhà ở vào tín dụng bất động sản với hệ số rủi ro chia theo từng phân khúc để đánh giá đúng mức độ rủi ro là phù hợp”, ông Châu nhấn mạnh.

Băn khoăn khả năng quản lý

Dù đồng tình với các nội dung mới của Thông tư 22, tuy nhiên, vị Chủ tịch HoREA cho rằng, vẫn chưa có các quy định về việc tổ chức thực hiện kiểm soát rủi ro tại văn bản này.

Theo đó, điểm cần chú trọng nhất trong việc giám sát các khoản vay là khả năng thu hồi nợ, tính khả thi của dự án cần vay vốn. “Mỗi ngân hàng thương mại là một hệ thống có quản lý, văn hóa kinh doanh, quy chế hoạt động riêng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng ở các nước phát triển coi việc đánh giá tính khả thi của dự án là yếu tố có tính quyết định để giải ngân nhưng việc này dường như chưa được coi trọng đúng mức tại các ngân hàng Việt Nam”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị Chủ tịch HoREA cho rằng, rất cần theo dõi cách sử dụng nguồn vốn vay theo đúng mục đích để tránh tình trạng một chủ đầu tư vay vốn cho dự án bất động sản hình thành trong tương lai nhưng sau đó lại dùng tiền vay được để đi mua đất, từ đó, có thể phát sinh nợ xấu. “Trách nhiệm của bên cho vay không chỉ là giải ngân xong vốn mà còn là giám sát việc sử dụng vốn vay để bảo đảm an toàn tín dụng cho ngân hàng và kiểm soát nợ xấu”, ông Châu nêu quan điểm.

Ngoài ra, có một nội dung đã từng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo là: “Doanh nghiệp bất động sản có dư nợ từ 1.500 tỷ đồng trở lên phải báo cáo Thống đốc NHNN để cơ quan này kiểm soát chặt chẽ. Thống đốc NHNN báo cáo định kỳ với Chính phủ về doanh nghiệp bất động sản có số dư nợ tín dụng từ 5.000 tỷ đồng trở lên”. Theo ông Châu, nội dung này cũng cần được cụ thể hóa về cách thức quản lý và báo cáo tại các văn bản pháp quy như Thông tư 22 vừa ban hành.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư