Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Nảy sinh tiêu cực vì thu không đủ chi
Theo một công ty đấu giá tại Hòa Bình, trong thời gian qua, Công ty có thực hiện đấu giá thành công tài sản tại một huyện cách TP. Lào Cai 65 km. Tài sản có giá khởi điểm là 60 triệu đồng; giá trúng đấu giá là 61 triệu đồng. Để thực hiện phiên đấu giá này, Công ty được thanh toán tiền thù lao theo hợp đồng là 3,39 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí bỏ ra là 4,053 triệu đồng. Như vậy, Công ty đã bị âm 663 nghìn đồng cho phiên đấu giá này.
Thậm chí, có những phiên đấu giá mà tổ chức ĐGTS đã chuẩn bị được hội trường, cơ sở vật chất thực hiện phiên đấu giá nhưng bên có tài sản vẫn yêu cầu thực hiện bán ĐGTS tại văn phòng của bên có tài sản. Yêu cầu này làm phát sinh thêm chi phí đi lại, khách sạn cho cán bộ thực hiện phiên đấu giá. Điều đáng nói, chi phí này lại do tổ chức ĐGTS chi trả.
Với khoản thu không đủ bù đắp cho những chi phí phát sinh hợp lý, hợp lệ như vậy, theo một đấu giá viên, nhiều tổ chức ĐGTS đã tìm cách “lách luật” đề bù đắp cho các chi phí bỏ ra.
Một đấu giá viên chia sẻ, theo quy định của Thông tư 48, tiền bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá được tổ chức ĐGTS thu nhưng số tiền này sẽ được tính trừ vào số tiền thù lao dịch vụ đấu giá. Quy định này hoàn toàn không khuyến khích các tổ chức ĐGTS bán nhiều hồ sơ, mà tìm cách hạn chế bán hồ sơ, thu thêm tiền bán hồ sơ bằng cách viết thêm phiếu thu ngoài quy định, cắt giảm hồ sơ đấu giá bằng cách không phát hành quy chế đấu giá, bảng kê tài sản đấu giá mà chỉ phát hành 1 tờ đơn tham gia đấu giá để “tiết kiệm” chi phí in ấn.
Và như vậy, sẽ có ít người tham gia phiên đấu giá, quá trình tham gia và tìm hiểu về tài sản đấu giá sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến hiệu quả của việc đấu giá không cao. Nhiều tiêu cực vì thế mà có điều kiện nảy sinh.
Tách bạch các loại chi phí, sửa đổi thông tư
Trong văn bản kiến nghị sửa đổi Thông tư số 48, một số tổ chức đấu giá cho biết, sự bất hợp lý của chế độ tài chính trong hoạt động ĐGTS nằm ở chỗ, tiền bán hồ sơ do tổ chức ĐGTS có trách nhiệm thu của khách hàng tham gia đấu giá, nhưng đối tượng sử dụng và quản lý nguồn tiền này lại là chủ tài sản đấu giá là không đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ pháp luật dân sự trong ký kết hợp đồng dịch vụ.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất, cần tách riêng chi phí hợp lý, hợp lệ ra khỏi phần thù lao dịch vụ bán ĐGTS. Việc thanh toán các chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động ĐGTS có thể áp dụng theo một trong 2 phương án.
Phương án 1 là tổ chức ĐGTS thu tiền mua hồ sơ của khách hàng tham gia đấu giá để chi trả các chi phí hợp lý, hợp lệ. Việc quản lý, sử dụng số tiền này được thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu hoặc chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp ĐGTS theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Phương án 2 là tổ chức ĐGTS thu tiền mua hồ sơ của người tham gia đấu giá để chi trả cho các chi phí hợp lý, hợp lệ trong quá trình thực hiện việc ĐGTS, phần còn lại (nếu có) được chuyển về cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản đấu giá. Trường hợp số tiền này không đủ chi trả chi phí hợp lý, hợp lệ trong quá trình thực hiện việc ĐGTS thì người có tài sản đấu giá được sử dụng số tiền thu được từ việc bán tài sản để chi trả.
Còn Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Lâm Đồng đề xuất ghi rõ trong thỏa thuận của hợp đồng dịch vụ giữa bên có tài sản và tổ chức ĐGTS về việc tiền bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá sẽ được giữ lại một phần cho tổ chức ĐGTS để trang trải cho các chi phí hợp lý có liên quan.
Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, Bộ cũng nhận được nhiều phản ánh của các tổ chức ĐGTS liên quan đến Thông tư số 48/2017/TT-BTC và cho rằng, các phản ánh này là có cơ sở thực tiễn. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi thông tư này cho phù hợp với thực tiễn của hoạt động ĐGTS.