Nhiều hệ lụy nếu bị thu hồi vốn do giải ngân chậm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sẵn sàng xắn tay tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của từng địa phương để thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2021 đạt tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, nếu địa phương không thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân cụ thể của từng vướng mắc thì không thể tháo gỡ được. Nếu không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.
Một số địa phương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 sang năm 2022. Ảnh: Nhã Chi
Một số địa phương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 sang năm 2022. Ảnh: Nhã Chi

Ngày 10/12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2021 tại các địa phương do Tổ công tác số 6 (theo Quyết định số 1962/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) kiểm tra, đôn đốc. Tổ công tác số 6 được giao kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân đầu tư công của 6 địa phương: Đà Nẵng, Gia Lai, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk.

Theo tổng hợp của Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ KH&ĐT, tính đến hết 30/11/2021, trong 6 tỉnh, giải ngân cao nhất đạt 70,11%, có 2 địa phương dưới 60%.

Các địa phương chỉ ra nhiều khó khăn, chủ yếu do dịch bệnh, vướng mắc trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư; thiếu nhân công, thiết bị; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tăng giá nguyên vật liệu xây dựng; công tác phân bổ vốn và thực hiện dự án…

Ghi nhận những khó khăn mà các địa phương nêu ra và tại Hội nghị, đại diện một số bộ liên quan, đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT đã giải đáp ngay nhiều vướng mắc, đồng thời sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu rõ, trong cùng mặt bằng chính sách, cùng khó khăn chung, tỷ lệ giải ngân của các địa phương rất khác nhau, nhiều địa phương trên cả nước vẫn giải ngân tốt. Riêng trong 6 địa phương thuộc Tổ công tác số 6, kết quả giải ngân cũng có nhiều khác biệt, có địa phương giải ngân ngân sách địa phương cao, ngân sách trung ương thấp, có địa phương thì ngược lại. Thực tế đó cho thấy, nguyên nhân chính là do tổ chức chỉ đạo, điều hành của mỗi địa phương.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lấy ví dụ, việc điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, Thủ tướng đã chỉ đạo tại Nghị quyết 63/NQ-CP ban hành tháng 6/2021 và nhiều lần đốc thúc tại Nghị quyết các phiên họp Chính phủ thường kỳ. Thủ tục điều chuyển cũng đã đơn giản hơn, hoàn toàn thuộc thẩm quyền địa phương nhưng nhiều địa phương vẫn không thực hiện kịp thời. Hay việc chuẩn bị dự án, tổ chức giải phóng mặt bằng, có địa phương làm rất tốt, nhưng cũng có địa phương chuẩn bị dự án sơ sài, đến khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc hay giao vốn từ đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn không thể giải ngân vì tắc giải phóng mặt bằng.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, các địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của từng vướng mắc, chỉ rõ vì sao vướng thì mới tháo gỡ được. Thứ trưởng cũng nhắc lại, tại Quyết định số 1962, Thủ tướng nêu rõ phải xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng yêu cầu Chính phủ phải làm rõ, quy trách nhiệm về giải ngân đầu tư công.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương phải có văn bản cam kết trong giải ngân năm 2021. Tuy nhiên, cam kết của một số địa phương chưa đạt yêu cầu tại Nghị quyết 63 là 95 - 100%.

Tại cuộc họp của các Tổ công tác trong tuần qua, hầu hết các địa phương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch năm 2021 sang năm 2022; điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định hướng dẫn thì giải ngân chỉ trong một năm, việc kéo dài vốn chỉ xem xét với từng dự án và chỉ trong trường hợp bất khả kháng. Thời gian qua, Chính phủ đã báo cáo UBTVQH về việc kéo dài giải ngân vốn kế hoạch năm 2021, nhưng UBTVQH không đồng ý, yêu cầu thực hiện đúng quy định. Hay kiến nghị cắt giảm vốn ODA, Chính phủ đã báo cáo nhưng UBTVQH không thông qua, yêu cầu các địa phương tập trung triển khai tốt. Vì thế, việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2021 sang năm 2022 hay trả lại vốn ODA năm 2021 để bố trí lại sau như kiến nghị của các địa phương là rất khó. Theo quy định, hết niên độ kế hoạch năm 2021 mà không giải ngân hết thì sẽ bị thu hồi và trừ luôn ở kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, không được bố trí lại.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, việc dự án không giải ngân hết dẫn đến bị thu hồi vốn là rất đáng tiếc và gây nhiều hệ lụy mà địa phương phải giải quyết. Trong trường hợp bị thu hồi vốn về, để dự án không bị dở dang, địa phương sẽ phải dùng dự toán năm 2022 của dự án khác để bố trí hoặc phải cắt giảm dự án khởi công mới khác. Địa phương phải rất lưu ý để tập trung, quyết liệt giải ngân trong thời gian còn lại của năm.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong điều hành giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, phải rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt, tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm. Các địa phương cần xác định giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất to lớn, không chỉ với mỗi công trình, dự án, mà còn đóng góp lớn hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi kinh tế của địa phương và cả nước.

Chuyên đề