Nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa lạm dụng tiêu chuẩn kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong đấu thầu mua sắm hàng hóa, các dạng chứng nhận về tiêu chuẩn, quy chuẩn thường được bên mời thầu áp dụng như một thước đo kỹ thuật nhằm đánh giá chất lượng của hàng hóa dự thầu. Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều cuộc thầu trong thời gian gần đây cho thấy, tình trạng hồ sơ mời thầu (HSMT) lạm dụng các tiêu chuẩn này đang dần trở nên phổ biến, làm phát sinh không ít kiến nghị từ phía nhà thầu.
Gói thầu Cung cấp bàn ghế học sinh cho các trường công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, HSMT bị phản ánh áp dụng quá nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu Cung cấp bàn ghế học sinh cho các trường công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, HSMT bị phản ánh áp dụng quá nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngày 28/2, UBND thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thông báo mời thầu Gói thầu Mua sắm trang thiết bị và nội thất nhà công vụ UBND thị trấn, với giá dự toán 3,43 tỷ đồng. Phản ánh đến Báo Đấu thầu, một đơn vị cung cấp cho rằng, HSMT chưa bảo đảm cạnh tranh khi xây dựng các yêu cầu kỹ thuật theo hướng chuẩn hóa đến từng vật liệu dùng để sản xuất sản phẩm (bàn, ghế ăn) như: sơn PU cao cấp đạt tiêu chuẩn ISO 14001:2015 và ISO 9001:2015; gỗ tần bì đạt tiêu chuẩn TCVN8048:2014; TCVN1072:1971; gỗ Iroko đạt tiêu chuẩn TCVN8048:2014; TCVN1072:1971..., gây khó khăn cho nhà thầu quan tâm.

Trước đó, tháng 12/2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm thiết bị, đồ chơi cho trường tiểu học và THCS, mầm non trên địa bàn Huyện. Ngay sau khi HSMT được phát hành, Gói thầu có dự toán hơn 5 tỷ đồng này liên tục bị các nhà thầu kiến nghị điều chỉnh HSMT do cho rằng, nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật tại HSMT là không cần thiết. Trong đó, nổi bật là yêu cầu vật tư, vật liệu sản xuất danh mục thiết bị phòng bộ môn lý, hóa; danh mục bàn, ghế giáo viên phải có chân sắt tĩnh điện đạt phương pháp thử nghiệm IEC60060-1; sử dụng vật liệu tổng hợp cao cấp phủ composite được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ASTM C267-97; giá đựng dụng cụ thí nghiệm sử dụng sơn có độ bám dính > cấp 5B theo phương pháp thử ASTM 3359…

Theo nhận định của các nhà thầu, đa số danh mục mời thầu là hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh; Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học; Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp THCS. Vì vậy, việc HSMT quy định chi tiết cấu hình của thiết bị như trên là làm khó nhà thầu. Kết quả, Gói thầu phải hủy thầu, do tất cả nhà thầu tham dự đều không đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Tại Lâm Đồng, câu chuyện tương tự cũng được ghi nhận tại Gói thầu Cung cấp bàn ghế học sinh cho các trường công lập trên địa bàn tỉnh theo phương thức mua sắm tập trung. Cụ thể, HSMT bị phản ánh áp dụng quá nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn cử như TCVN 6238-1:2011 (chỉ tiêu cạnh sắc, độ ổn định và độ quá tải đối với bàn ghế mầm non); TCVN 6238-3:2011 (chỉ tiêu giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại đối với bàn ghế mầm non). Đáng chú ý, đối với bàn ghế học sinh tiểu học và THCS, HSMT còn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật rất đặc thù như “gỗ dùng để sản xuất phải được giám định kiểm tra hàm lượng thuốc bảo quản gỗ đạt mức an toàn khi sử dụng theo TCVN 10751:2015”. Theo một nhà thầu, TCVN 10751:2015 mang tính đặc thù bởi tiêu chuẩn này phải thử nghiệm 5 năm mới có kết quả, đồng nghĩa với việc sẽ có không ít nhà thầu mất đi cơ hội dự thầu.

Trao đổi với phóng viên, một số nhà cung cấp cho rằng, tình trạng lạm dụng tiêu chí quá cao khi mua sắm hàng hóa nói chung, trong đó điển hình là các tiêu chuẩn về kỹ thuật sẽ dễ dẫn tới hệ quả chỉ nhà thầu có sự chuẩn bị từ trước mới đủ điều kiện dự thầu.

Theo góc nhìn của một chuyên gia đấu thầu, trong đấu thầu mua sắm hàng hóa, yêu cầu về kỹ thuật thường bao gồm thông số kỹ thuật cơ bản của hàng hóa (chiều cao, kích thước, kiểu dáng, màu sắc, kết cấu...) và nhóm các tiêu chuẩn chất lượng. Đối với thông số kỹ thuật, HSMT càng quy định chi tiết sẽ càng bảo đảm hàng hóa được lựa chọn phù hợp nhu cầu thực tế, mục đích, công năng sử dụng... Tuy nhiên, với nhóm các tiêu chuẩn chất lượng, trường hợp HSMT lạm dụng yêu cầu về chứng chỉ ISO, chứng nhận TCVN, QCVN hoặc các dạng tiêu chuẩn tương đương trong đánh giá hàng hóa dự thầu rất dễ dẫn đến hạn chế cạnh tranh. “Đối với nhóm sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, chỉ cần yêu cầu tiêu chuẩn ISO 9001:2015, đồng thời có tài liệu chứng minh xuất xứ, còn công tác thí nghiệm, thử nghiệm vật tư, vật liệu thuộc về quy trình sản xuất, không nên đưa vào bước đánh giá kỹ thuật hàng hóa dự thầu”, vị chuyên gia bình luận.

Cũng theo chuyên gia, để khắc phục những bất cập trong thực tiễn đấu thầu mua sắm hàng hóa nêu trên, bên cạnh những văn bản pháp lý hiện hành, cần có các quy định liên ngành hướng dẫn chi tiết hơn khung áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với từng danh mục sản phẩm/lĩnh vực. Một số dạng tiêu chuẩn (môi trường, sức khỏe nghề nghiệp...) chỉ nên cân nhắc áp dụng trong trường hợp thực sự cần thiết, đặc thù, tránh lạm dụng, gây khó cho nhà thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư