Nhiều giải pháp mạnh thúc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong những tháng cuối năm, nhiều địa phương tích cực đốc thúc để giải ngân lượng vốn đầu tư công còn rất lớn của kế hoạch năm 2022. Cùng với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khách quan, nhiều địa phương đưa ra những giải pháp mạnh đối với các chủ thể liên quan đến công tác giải ngân đầu tư công, như kiên quyết điều chuyển vốn, tự thu xếp vốn thực hiện phần khối lượng bị cắt, quy rõ trách nhiệm cá nhân…
9 tháng đầu năm 2022, hơn 253 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân, tăng gần 35 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Nhã Phú
9 tháng đầu năm 2022, hơn 253 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân, tăng gần 35 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Nhã Phú

Tại Quảng Bình, sau 8 tháng với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 32,5%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và mức bình quân của cả nước, mới đây, UBND Tỉnh tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt tới các đơn vị trong Tỉnh để phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2022 ở mức cao nhất. Trong đó, UBND Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư lên kế hoạch chi tiết trong những tháng cuối năm về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân cho từng công việc của từng dự án theo tiến độ hàng ngày, hàng tuần và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Đôn đốc, theo sát các đơn vị tư vấn, quản lý dự án, thi công trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn các dự án, thực hiện thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu. Đồng thời, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh nếu không thực hiện và giải ngân hết số vốn bố trí, bị cắt giảm, thu hồi; đồng thời tự thu xếp vốn thuộc ngân sách cấp mình để thực hiện phần khối lượng bị cắt vốn.

Cũng có tỷ lệ giải ngân đến 31/8 thấp hơn trung bình cả nước, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công điện yêu cầu các chủ đầu tư có dự án thực hiện chưa đảm bảo tiến độ rà soát, tổ chức kiểm điểm cá nhân, bộ phận có liên quan đến việc giải ngân chậm, chưa tuân thủ theo tiến độ giải ngân quy định. Đồng thời, chỉ đạo bộ phận quản lý tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch chi tiết đã ban hành, bảo đảm đến hết ngày 30/9 giải ngân đạt 60%, đến hết ngày 31/12/2022 giải ngân đạt 100% kế hoạch.

TP.HCM là địa phương có lượng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân 9 tháng cũng thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tại Hội nghị của Chính phủ đôn đốc giải ngân đầu tư công vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đã thành lập các tổ công tác chuyên ngành, chuyên đề, rà soát từng dự án với từng chủ đầu tư, đến nay đã gỡ được rất nhiều vướng mắc. Trong đó, nhiều dự án đến tháng 11 hoặc tháng 12 sẽ giải ngân đạt kế hoạch dù hiện nay chưa giải ngân. Để tăng tính kỷ luật trong giải ngân đầu tư công, Thành phố sẽ tăng trách nhiệm đối với chủ đầu tư từng dự án. Đến nay, toàn bộ chủ đầu tư đã có văn bản cam kết thực hiện công tác giải ngân vốn năm 2022 với UBND TP.HCM…

Tại Kiên Giang, tỷ lệ giải ngân đến hết ngày 31/8 đạt 43,78% và ước tới 30/9 đạt 52,4% kế hoạch. Dù tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước, nhưng với hơn 5.300 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022, trong thời gian còn lại của năm, Kiên Giang còn hơn 2.500 tỷ đồng cần giải ngân. Báo cáo với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ. Tỉnh thực hiện phân nhóm đơn vị chưa giải ngân, giải ngân thấp, giải ngân tốt để đưa ra giải pháp phù hợp. Không chỉ sát sao, đốc thúc dự án chưa và chậm giải ngân, với dự án giải ngân tốt, Tỉnh sẽ theo dõi sát tiến độ để có đề xuất rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn, giúp phát huy hiệu quả đầu tư… Trường hợp những dự án này thiếu vốn thì đề xuất các tổ công tác, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tham mưu giải pháp. UBND tỉnh Kiên Giang cũng giao nhiệm vụ cho các sở quản lý xây dựng chuyên ngành nghiên cứu rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu, cần chủ động làm việc với các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn để tháo gỡ vướng mắc, sớm triển khai dự án...

Các địa phương khác cũng đang gấp rút đốc thúc giải ngân. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ quản lý, quyết tâm của các địa phương, kỳ vọng sẽ giúp hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022 ở mức cao nhất, đưa lượng vốn lớn vào nền kinh tế trong thời gian tới, từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước. Thực tế, 9 tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 253 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân, tăng gần 35 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, kết quả giải ngân này cũng là một nhân tố tích cực tác động đến tăng trưởng GDP của quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2022.

Chuyên đề