Giải ngân đầu tư công vào giai đoạn “chạy nước rút”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải ngân vốn đầu tư công có đặc thù quý cuối cùng của năm luôn là giai đoạn “chạy nước rút”. Năm 2022 cũng không ngoại lệ khi ước đến hết tháng 9/2022, vốn đầu tư công mới giải ngân được 46,7% kế hoạch cả năm…
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm ước đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm ước đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên

Tăng tốc giải ngân

Kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Sang tháng 9, dòng chảy vốn đầu tư công ghi nhận tích cực hơn, khi ước tính đến hết tháng 9/2022, tỷ lệ giải ngân đạt tới 46,7%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), con số này phản ánh đặc thù của hoạt động đầu tư công, đó là đầu năm tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.

Dù giải ngân tăng mạnh trong những ngày gần đây, nhưng Bộ KH&ĐT vẫn nhận định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng. Tính đến nay, tỷ lệ đạt vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%). Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối, từ đầu năm đến nay, cả nước đã giải ngân được 253.148 tỷ đồng, cao hơn 34.597,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.

Kết quả này đạt được trong bối cảnh việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 có khá nhiều điểm đặc thù. Theo Bộ KH&ĐT, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 cao hơn khoảng 80.000 tỷ đồng so với năm 2021 (chưa tính số vốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 khoảng 38.000 tỷ đồng từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Năm 2022 là năm thứ hai của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện (kế hoạch mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021). Ghi nhận từ thực tế cho thấy, đầu năm, các đơn vị được giao vốn dành nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới, nên con số vốn thực giải ngân còn thấp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, tiến độ giải ngân đang có sự chuyển động tích cực, thể hiện qua những con số được cập nhật thường kỳ.

Không giải ngân được là có lỗi với Nhân dân

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngày 26/9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, yếu tố tổ chức thực hiện đóng vai trò quan trọng và nhấn mạnh người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải "trách nhiệm với quê hương, đất nước, với nhân dân..., nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với Nhân dân”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặc biệt ưu tiên cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, với tinh thần "đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường".

Theo Nghị quyết 124/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân nguồn vốn NSNN năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022 giải ngân tối thiểu đạt 50%. Với tỷ lệ giải ngân 9 tháng ước đạt 46,7% kế hoạch, hiện còn một lượng vốn rất lớn cần đẩy nhanh giải ngân trong thời gian còn lại của năm.

Tại các cuộc họp, hội nghị thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phản ánh nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn này. Bộ KH&ĐT đã tổng hợp thành 25 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc lớn, chia làm 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên - môi trường; NSNN và công sản; xây dựng; đấu thầu; đầu tư công. Thứ hai là nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện. Thứ ba là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

Bộ KH&ĐT nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện. Trong cùng hệ thống pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt.

Kết quả giải ngân 9 tháng cũng chứng minh điều này khi tỷ lệ giải ngân rất chênh lệch giữa các đơn vị được giao vốn. Theo Bộ Tài chính, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, có 39 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân dưới 20% kế hoạch.

Từ thực tế triển khai có thể thấy, các bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt là do chủ động ngay từ khi xây dựng kế hoạch hằng năm, có thứ tự ưu tiên dự án trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải; lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực và kinh nghiệm. Đồng thời, thay đổi nhận thức và thói quen của cán bộ làm công tác đầu tư công, không chờ nhà thầu báo cáo mà phải sâu sát, nắm rõ tiến độ, kịp thời tháo gỡ, xử lý khó khăn. Đặc biệt, người đứng đầu đơn vị sát sao trong công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt là giải phóng mặt bằng...

Trong số 8 nhóm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, các đơn vị cần nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời lưu ý các bộ, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2022 vì hiện không có đơn vị nào đề nghị bổ sung vốn năm 2022, không thể thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công.

Chuyên đề