Vietnam Airlines dự kiến sẽ được giao dịch trên UPCoM từ đầu năm 2017 với vốn hóa ngày đầu tiên lên sàn đạt 1,5 tỷ USD. Ảnh:Bloomberg |
Theo thông tin từ các sở giao dịch chứng khoán, ngay trong tuần đầu tiên của năm 2017, cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp sẽ chính thức niêm yết và giao dịch, trong đó không thiếu những cái tên có vốn hóa hơn 1 tỷ USD.
Tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 3/1, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) sẽ giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán HVN. Với số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch đạt trên 1,2 tỷ và giá tham chiếu 28.000 đồng mỗi đơn vị, ước tính vốn hóa ngày đầu tiên lên sàn của Vietnam Airlines sẽ đạt hơn 34.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
Ngay sau Vietnam Airlines, một doanh nghiệp khác có vốn hóa tỷ đô dự kiến sẽ lên sàn UPCoM vào ngày 5/1/2017 là Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Với lượng đăng ký giao dịch hơn 538 triệu cổ phiếu (Mã CK: MCH) và giá tham chiếu ngày đầu là 90.000 đồng, ước tính vốn hóa của Masan Consumer sẽ đạt hơn 48.400 tỷ đồng, xấp xỉ 2,13 tỷ USD.
Cũng trong tuần đầu tiên của năm 2017, một số doanh nghiệp khác cũng được chấp thuận niêm yết, giao dịch như cổ phiếu của Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần, Công ty cổ phần Licogi 12.
Thị trường chứng khoán đã có những bước phát triển mới, đặc biệt là hoạt động trên UPCoM trong năm 2016 đã có những bước phát triển vượt bậc nhờ hàng loạt chính sách mới, như quy định rút ngắn thời gian bắt buộc phải lên sàn đối với các công ty đại chúng.
Với sự đón nhận của hàng loạt "tân binh" là các công ty có vốn hóa lớn, các doanh nghiệp Nhà nước, quy mô của thị trường UPCoM đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm đầu năm, vượt mốc 10 tỷ USD từ cuối năm 2016. Dự kiến, con số này còn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017 khi những "tân binh" tỷ đô sẽ xuất hiện, đơn cử như hai trường hợp ngay đầu năm là Vietnam Airlines và Masan Consumer.
Trong một phát biểu mới đây, ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán trong năm tới sẽ có nhiều điểm thuận lợi nhờ kế hoạch sửa Luật Chứng khoán, gỡ được dòng vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục vướng mắc với luật đầu tư.
Bước đầu, theo ông Bằng, luật có thể thay đổi theo hướng sẽ coi doanh nghiệp có trên 60% vốn nước ngoài mới là nhà đầu tư nước ngoài. Luật mới cũng dự kiến bổ sung thêm thẩm quyền điều tra, tiếp cận tài khoản của Ủy ban chứng khoán để xử lý các sai phạm của các thành viên trên thị trường.