Nhiều điểm mới trong quản lý tài chính dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án đầu tư theo phương thức PPP đã được Chính phủ ban hành, quy định quản lý tài chính dự án PPP có nhiều nội dung mới so với giai đoạn trước.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Thứ nhất, nguyên tắc xác định dòng tiền trong phương án tài chính dự án PPP được quy định là dòng tiền sau thuế. Quy định này đảm bảo phản ánh đầy đủ các chi phí (chi phí thuế) của dự án, đảm bảo tính thống nhất trong lập phương án tài chính dự án PPP.

Thứ hai, lãi suất vốn vay cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong giai đoạn chuẩn bị dự án là mức lãi suất cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại, lãi suất vốn vay của các dự án tương tự (nếu có). Việc bỏ quy định về mức trần lãi suất vốn vay như các quy định tại các văn bản pháp luật trước đây đảm bảo mức lãi suất vốn vay tiệm cận được mức lãi suất cho vay thực tế trên thị trường tín dụng.

Thứ ba, căn cứ xác định vốn chủ sở hữu đã được quy định rõ ràng, phù hợp với tính thời điểm của nguồn vốn chủ sở hữu, song đảm bảo tính linh hoạt và minh bạch trong thực hiện. Theo quy định, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu phải có quy định về căn cứ, thời điểm xác định vốn chủ vốn chủ hữu; tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP có trách nhiệm cung cấp phương án huy động vốn chủ sở hữu và tài liệu chứng minh đối với phần vốn chủ sở hữu.

Thứ tư, điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP được quy định theo hướng chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư mua trái phiếu.Theo quy định, doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu sau khi đã ký hợp đồng PPP và phải tuân thủ quy định của Luật PPP, pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp PPP phải bổ sung quy định cụ thể về khối lượng, kỳ hạn phát hành, phương án xử lý trả nợ lãi, gốc trái phiếu trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Thứ năm, xác định giá trị tài sản công tham gia dự án PPP được thực hiện ở giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, để làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, bao gồm giá trị phần vốn nhà nước tham gia dự án PPP. Giá trị tài sản công tham gia dự án PPP được xác định thông qua hình thức thẩm định giá nhằm đảm bảo giá trị tài sản công phù hợp với giá thị trường, khác với quy định tại Thông tư số 88/2018/TT-BTC.

Thứ sáu, hồ sơ thanh toán phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng, thanh toán doanh nghiệp dự án cung cấp sản phẩm, dịch vụ công tương tự như quy định trước đây. Tuy nhiên, cơ quan ký kết hợp đồng (thay cho cơ quan được giao quản lý phần vốn nhà nước như quy định tại Thông tư số 88/2018/TT-BTC) là đơn vị chịu trách nhiệm xác nhận khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP. Quy định mới này đảm bảo nguyên tắc cơ quan ký kết hợp đồng là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trước nhà nước và doanh nghiệp dự án trong triển khai thực hiện hợp đồng.

Thứ bảy, quy định công tác quyết toán vốn công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng trên quan điểm tôn trọng quy định trong hợp đồng PPP đã ký. Các nguyên tắc xác định quyết toán các khoản chi phí huy động vốn, chi phí dự phòng, chi phí mà doanh nghiệp dự án PPP tiết kiệm được theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật PPP phải được các bên đàm phán, quy định cụ thể trong hợp đồng để làm cơ sở cho việc quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng. Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP lập và gửi 1 bộ hồ sơ để cơ quan ký kết hợp đồng xem xét, chấp thuận giá trị quyết toán. Với nguyên tắc quyết toán theo quy định tại hợp đồng dự án PPP đã ký, hồ sơ quyết toán được quy định đơn giản hơn so với hồ sơ quyết toán đối với dự án đầu tư công.

Thứ tám, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện cơ chế chia sẻ doanh thu tăng, giảm là một nội dung mới đã được quy định tại Chương V Nghị định. Nghị định đã hướng dẫn cụ thể về hạch toán các khoản chia sẻ doanh thu tăng, giảm đối với doanh nghiệp dự án PPP và ngân sách nhà nước; trình tự, thủ tục để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sử dụng dự phòng ngân sách thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP; trình tự, thủ tục thanh toán phần chia sẻ giảm doanh thu từ nguồn vốn dự phòng ngân sách.

Với một số điểm mới trong quản lý tài chính dự án PPP (nêu trên), Nghị định số 28/2021/NĐ-CP được kỳ vọng giải quyết được các vướng mắc trong quản lý tài chính của các dự án BOT trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút nguồn tài chính tư nhân tham gia đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trong thời gian tới.

Chuyên đề