Trong số dự án đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian qua, số lượng dự án BT chiếm tỷ trọng lớn. Ảnh: Tiên Giang |
Quan trọng là dự án BT phải đặt đúng chỗ, đúng thời điểm với khung pháp luật hoàn thiện, chặt chẽ, loại trừ được tham nhũng.
Nhiều ý kiến muốn duy trì đầu tư theo loại hợp đồng BT
Theo một chuyên gia, để vốn hóa đất công, nếu ngân sách có thể bố trí để giải phóng mặt bằng thì đấu giá là giải pháp tốt. Tuy nhiên, khi nguồn lực không đủ bố trí giải phóng mặt bằng, thì cần có cơ chế khơi thông, thu hút nguồn lực trong xã hội để không lãng phí nguồn lực đất đai, tài sản công.
Trong báo cáo tình hình thực hiện dự án BT, nhiều địa phương cho rằng, trong tình hình khó khăn của ngân sách nhà nước giai đoạn vừa qua, việc thực hiện các dự án BT, trong đó chủ yếu là các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đô thị đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương, phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá, thực tế qua kết quả kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước cho thấy số lượng các dự án đầu tư theo hợp đồng BT chiếm tỷ trọng lớn, thu hút một lượng vốn đầu tư lớn của xã hội để phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng của đất nước.
Dù có những kết quả nhất định, nhưng thực tế triển khai thời gian qua theo nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan chức năng thì nhiều dự án BT đã thực hiện vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai.
Từ thực tế này, theo nhiều địa phương, thời gian tới, hình thức đầu tư theo loại hợp đồng BT vẫn cần thiết phải duy trì để có thêm nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nhưng siết phạm vi áp dụng hơn. Trong những báo cáo gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình thực hiện dự án theo hợp đồng BT, trong số những đơn vị có nêu quan điểm về việc có nên duy trì đầu tư theo loại hợp đồng BT hay không, đa phần cho rằng nên duy trì, trong đó có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, các tỉnh Điện Biên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Vĩnh Long,…
Siết chặt quản lý, phạm vi áp dụng
Tuy thể hiện quan điểm vẫn cần thiết duy trì đầu tư theo loại hợp đồng BT trong bối cảnh hiện nay, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hình thức đầu tư theo loại hợp đồng BT có nhiều nhược điểm khi thực hiện tại các đô thị phát triển do giá đất tại các đô thị này cao, việc phân tích chi phí - lợi ích để làm rõ việc thực hiện dự án BT có lợi hơn hay thực hiện việc bán tài sản công để lấy tiền đầu tư hạ tầng có lợi hơn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đề nghị giới hạn phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT, chỉ áp dụng loại hợp đồng này tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng; khuyến khích áp dụng các loại hợp đồng khác của đầu tư theo hình thức PPP.
Đồng quan điểm, UBND tỉnh Điện Biên và Sở KH&ĐT Tuyên Quang cho rằng, hợp đồng BT chỉ nên áp dụng đối với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, chậm phát triển, ngân sách trung ương vẫn phải hỗ trợ. Đồng thời, theo UBND tỉnh Điện Biên, cần có quy định chi tiết về yêu cầu phân tích chi phí - lợi ích giữa cơ chế thực hiện hợp đồng BT và cơ chế Nhà nước đấu giá tài sản công để lấy tiền xây dựng hạ tầng để làm cơ sở cho quyết định thực hiện dự án BT. Khi hạ tầng và dịch vụ công cộng đã phát triển đến một mức độ nhất định thì hình thức BT cần thu hẹp lại, nhường chỗ cho vốn hóa đất công bằng những hình thức khác mang lại hiệu suất, hiệu quả cao hơn.
Tỉnh Đắk Lắk thì khuyến nghị chỉ áp dụng loại hợp đồng BT đối với các dự án có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy hiệu quả đồng bộ các công trình, dự án kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng; các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của địa phương, có tính chất kết nối.
Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng, để tổ chức, quản lý hiệu quả loại hợp đồng BT cần có khung pháp lý chặt chẽ hơn, cần có Luật PPP và trong đó có một chương riêng về BT. Từ đó, tháo gỡ những vướng mắc hiện tại trong triển khai BT như chồng chéo giữa các văn bản pháp luật liên quan đến xác định giá trị quỹ đất hoàn vốn; tăng cường giám sát; quy định chặt việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện nghiêm các chế tài đối với các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp thẩm định sai năng lực của nhà đầu tư hoặc cố tình ưu ái cho các nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án.