PV Oil đã góp vốn xấp xỉ 900 tỷ đồng vào các doanh nghiệp để triển khai dự án nhiên liệu sinh học. Ảnh: Lê Tiên |
Đi sâu tìm hiểu hơn có thể thấy, hoạt động đầu tư vào các dự án nhiên liệu sinh học (NLSH), của doanh nghiệp (DN) này không hiệu quả. Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến DN chậm công bố các báo cáo liên quan đến tài chính, kinh doanh.
Kỳ vọng lớn vào nhiên liệu sinh học
Theo giới thiệu trên website của PV Oil, DN này chính thức đi vào hoạt động từ 6/6/2008. PV Oil phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, về quy mô và phạm vi hoạt động đã trải đều trên toàn lãnh thổ Việt Nam và phát triển cả ra nước ngoài. Hiện nay, Tổng công ty có 13 ban chuyên môn tại trụ sở chính, 13 đơn vị trực thuộc (7 xí nghiệp, chi nhánh, 1 văn phòng đại diện ở nước ngoài, 5 Ban QLDA đầu tư xây dựng), 31 công ty con, trong đó có 2 công ty 100% vốn của PV Oil ở nước ngoài là PV Oil Lào và PV Oil Singapore. 13 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư vốn vào 6 công ty (tỷ lệ vốn thấp hơn 20% vốn điều lệ).
Liên quan đến NLSH, PV Oil cho biết, là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kinh doanh trong lĩnh vực hạ nguồn, PV Oil có vai trò nòng cốt trong chương trình NLSH. Với mục tiêu nhanh chóng triển khai xây dựng các nhà máy NLSH đầu tiên của PVN tại các địa bàn và thị trường quan trọng nhằm phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất, chế biến các loại NLSH, thời gian qua PV Oil đã góp vốn đầu tư vào 3 dự án NLSH tại Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước.
Vậy hiệu quả của các dự án này đến nay ra sao?
Và vỡ mộng
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ra Thông báo số 3129/TB-TTCP kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án NLSH có góp vốn của PVN và các đơn vị thành viên, trong đó có PV Oil.
Tại Dự án NLSH Phú Thọ, nổi cộm nhất là các bên liên quan đã chỉ định thầu cho nhà thầu không đủ năng lực. TTCP cho biết, đến thời điểm được thực hiện chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC Dự án NLSH Phú Thọ, nhà thầu PVC chưa thực hiện hợp đồng EPC dự án NLSH hoặc các dự án có tính chất tương tự. Kết luận của TTCP chỉ rõ, việc chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2005. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trong quá trình thực hiện, nhà thầu PVC đã phải dừng thi công Dự án từ tháng 11/2011, vi phạm quy định của hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, khiến Dự án khó tiếp tục thực hiện.
Cũng vướng phải vi phạm tương tự, tại Dự án NLSH Dung Quất, PV Oil và người đại diện phần vốn của PVN tại các đơn vị liên quan đã thống nhất chỉ định thầu. Song nhà thầu được chỉ định cũng chưa từng thực hiện dự án NLSH hoặc dự án có tính chất tương tự nhưng vẫn được chỉ định thầu thực hiện những công việc quan trọng của Dự án. “Việc chỉ định thầu không đúng này đã dẫn đến thi công hạng mục Xử lý nước thải không đáp ứng công suất của Nhà máy; Dự án chậm tiến độ 24 tháng, làm tăng chi phí cho chủ đầu tư 345 tỷ đồng” - TTCP chỉ rõ.
Đối với Dự án NLSH Bình Phước, lúc đầu (năm 2009), PV Oil dự kiến tham gia góp vốn tới 51%, tuy nhiên sau chuyển nhượng còn 29% vốn điều lệ. Trong quá trình đầu tư, Dự án đã bị đội vốn, tăng 250,11 tỷ đồng (tăng 16,76%) so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án. Dự án được nghiệm thu tháng 6/2012, nhưng tính đến tháng 3/2013, Nhà máy mới chỉ hoạt động được 5 đợt và gần như dừng vận hành thương mại kể từ tháng 4/2013 đến thời điểm TTCP thực hiện thanh tra. Dự tính mỗi năm lỗ khoảng 200 tỷ đồng.
Đến nay, cả ba dự án trên hoặc trong tình trạng “đắp chiếu”, hoặc trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Cụ thể, Nhà máy tại Phú Thọ đầu tư dở dang, dừng thi công từ tháng 11/2011, hai nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước đầu tư đã xong nhưng hầu như không vận hành thương mại.
Câu hỏi đặt ra lúc này với PV Oil là đến nay DN đã trích lập dự phòng đầy đủ các khoản đầu tư vào các DN nêu trên hay chưa? Điều này rất quan trọng đối với bức tranh tài chính của DN trong bối cảnh PV Oil sắp “trình làng” đấu giá cổ phần lần đầu dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay.
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung này.