Mô hình tàu cao tốc của Trung Quốc triển lãm tại Jakarta (Indonesia). Ảnh:AFP |
Trước khi Trung Quốc bắt đầu hấp dẫn Đông Nam Á bằng các dự án đổ tiền vào cơ sở hạ tầng thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, Nhật Bản từng là nhà đầu tư số một khu vực này. Hiện tại, hai cường quốc này đang cạnh tranh cả về ảnh hưởng kinh tế lẫn thương mại tại đây. Giới phân tích cho rằng Nhật Bản có thể không đạt quy mô đầu tư như Trung Quốc, nhưng vẫn chiến thắng về góc độ danh tiếng và tầm ảnh hưởng tại địa phương.
Dự án của Nhật Bản tại những nước châu Á mới nổi bắt đầu từ cuối thập niên 70, thông qua các công ty đa quốc gia. Sau đó, đến thập niên 90, Chính phủ nước này mới đóng vai trò dẫn dắt trong kế hoạch kết nối cơ sở hạ tầng. Hoạt động này được G7 và OECD coi là hình mẫu cho "cơ sở hạ tầng chất lượng".
Những dự án này có độ an toàn cao, bền, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và tính bao trùm, đồng thời cải thiện logistics nói chung tại các nước đang phát triển. Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho biết các khoản vay của họ cho Việt Nam để nâng cấp đường cao tốc, cảng đã tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn, giảm nghèo đói và tăng hiệu suất.
Trong khi đó, một số chiến dịch trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc lại bị nhiều người lo ngại là nền tảng để Trung Quốc tăng quyền lực trên toàn cầu. "Mức độ tham vọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường phần nào cho chúng ta thấy về tác động thực sự, nếu có, của các dự án cơ sở hạ tầng này", Jonathan Hillman - Giám đốc Dự án Tái kết nối châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết trong một báo cáo năm 2018, "Liệu các khoản chi đó có giúp được những người cần chúng nhất hay không? Liệu nó có được đổ vào các dự án khả thi không? Nó sẽ cải thiện hay làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu? Và nó sẽ tạo ra hay hủy hoại các giá trị?".
Các dự án đường sắt, mạng viễn thông và phát triển nông nghiệp của doanh nghiệp Nhật Bản cùng các tổ chức liên quan đến chính phủ nước này được đánh giá cao vì tính giáo dục và hoạt động đào tạo kỹ thuật mà họ cung cấp cho các bên liên quan ở nước sở tại, giới chuyên gia đánh giá. Việc này đã tạo ra thiện chí giữa Tokyo và các nước nhận đầu tư.
Tháng 11 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ giúp Đông Nam Á đào tạo 80.000 chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và các ngành kỹ thuật số trong vòng 5 năm, nhằm xây dựng các thành phố thông minh tại đây. Trái lại, các nước tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường thường phàn nàn về việc nước sở tại ít được tham gia vào các dự án. Nhiều dự án xây dựng bị cáo buộc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và đưa lao động nước này sang, thay vì sử dụng các công ty địa phương.
Tham nhũng cũng là mối lo thường trực. WSJ đầu tháng trước cho biết giới chức Trung Quốc được cho là đã thổi phồng chi phí các dự án cơ sở hạ tầng ở Malaysia. Trung Quốc đến nay vẫn phủ nhận điều trên.
Hillman cho rằng Bắc Kinh có thể rút ra bài học từ Tokyo. "Khi cựu Tổng thống Philippines - Ferdinand Marcos rời nhiệm sở năm 1986, nhiều tài liệu của ông hé lộ mạng lưới tham nhũng liên quan đến hàng chục công ty Nhật Bản. Công bố này đã khiến Tokyo phải cải tổ thực sự, tăng tính minh bạch và cạnh tranh cho các dự án ODA", Hillman cho biết.
Tài chính từ Nhật Bản cũng được coi là đáng tin cậy hơn, do sự lâu đời của hoạt động này. "So với các dự án do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, các dự án của Nhật Bản được đánh giá cao hơn, do có số lượng lớn tổ chức hỗ trợ tài chính", một báo cáo năm 2018 của Viện nghiên cứu Các Nền kinh tế Đang phát triển cho biết.
Rất nhiều dự án của Nhật Bản được hỗ trợ bởi các công ty tư nhân như Mitsubishi, Toyota, Nintendo và Sumitomo Mitsui Financial Group. Đây đều là các doanh nghiệp đang tăng cường hội nhập kinh tế tại Đông Nam Á và hiểu tầm quan trọng của các mối quan hệ cá nhân ở đây.
Ngược lại, Trung Quốc thường chỉ công khai dự án sau khi đã chọn nhà thầu, hiếm khi công bố các điều khoản cho vay và thực thi khá chậm, Hillman nhận xét. Việc này khiến các dự án của họ ít được tin tưởng. Vài tháng gần đây, lo ngại về các điều khoản tài chính của Trung Quốc đã khiến nhiều thương vụ bị hủy bỏ hoặc phải tái đàm phán.
"Bắc Kinh có thể vượt trội về các cam kết. Nhưng Tokyo còn đi xa hơn nhiều trong việc thực hiện, và qua đó gia tăng tầm ảnh hưởng", Viện nghiên cứu Chính sách Ngoại giao kết luận trong một báo cáo năm 2018.