Nhiều doanh nghiệp không thể mở tờ khai khi cơ quan hải quan coi hàng hóa có nguồn gốc thực vật thuộc danh mục dược liệu được quy định tại Thông tư 48/2018/TT-BYT. Ảnh minh họa: St |
DN lo bị đối tác khởi kiện
Ông Nguyễn Văn Mười - Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm và Thương mại Thành Công (Bắc Ninh) cho biết, một lô hàng nguyên liệu được DN của ông nhập về từ tháng 9 nhưng đến nay vẫn bị giữ ở cảng. Nguyên nhân do cách hiểu khác của cơ quan hải quan đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật. Công ty nhập nguyên liệu để sản xuất thực phẩm chức năng chứ không phải để sản xuất thuốc y học cổ truyền và không thuộc danh mục dược liệu, các chất chiết xuất dược liệu, tinh dầu làm thuốc cổ truyền được quy định trong Thông tư 48/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên, ông Mười cho biết, chi phí lưu kho gần 3 tháng qua của lô hàng này là rất lớn. Nếu vướng mắc của DN không sớm được giải quyết thì chất lượng nguyên liệu không còn đảm bảo.
“Ngoài ra, cái lo lớn nhất của DN là bị bên bán khởi kiện do chậm thanh toán lô hàng trị giá hơn 20.000 USD này. Bởi không có tờ khai hải quan nên DN không có căn cứ làm thủ tục chuyển ngoại tệ ra nước ngoài thanh toán cho bên bán. Thông thường, có tờ khai hải quan là bên mua phải thanh toán ngay. Nhưng tờ khai DN nộp mà không được hải quan chấp thuận. Chính vì vậy, DN mong mỏi cơ quan hải quan nghiên cứu kỹ và làm việc với phía Bộ Y tế để nhanh chóng giải quyết vướng mắc trên”, ông Mười chia sẻ.
Cùng bức xúc nêu trên, một DN chuyên kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe có trụ sở tại Hà Nội cho hay, hàng trăm DN không thể mở tờ khai kể từ giữa tháng 10 khi Tổng cục Hải quan có Công văn 6639 coi nguyên liệu có nguồn gốc thực vật thuộc danh mục được quy định tại Thông tư 48 của Bộ Y tế. Đơn vị này nhập hoa hòe, lá khế, lá lốt, mà theo cách hiểu của cơ quan hải quan thì những nguyên liệu này là dược liệu. Thực tế, lô hàng đã về cảng được 3 tháng nay nhưng vẫn chưa được thông quan, chi phí lưu kho bãi mỗi ngày là 6 triệu đồng.
Hải quan sẽ làm việc với Bộ Y tế để tháo gỡ
Trả lời những vướng mắc trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành thừa nhận đây là trường hợp điển hình của sự chồng chéo trong đối tượng kiểm tra chuyên ngành. Về góc độ quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan chỉ biết đây là mặt hàng thuộc danh mục dược liệu, còn nếu ăn được thì áp dụng danh mục thực phẩm.
“Tổng cục Hải quan cũng đã trao đổi rất rõ với Bộ Y tế, nhưng phải có văn bản để cả cơ quan thực thi, DN giải thoát lẫn nhau chứ không phải vì bên này làm khó bên kia và ngược lại”, ông Thành nói.
Về vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã giao cho Tổng cục Hải quan khẩn trương phối hợp với các bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) để có hướng dẫn và giải quyết cho DN.
Trước đó, ngày 28/10, trong công văn gửi Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan cho biết có nhận được phản ánh vướng mắc của DN cũng như cơ quan hải quan trong việc làm thủ tục nhập khẩu đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật. Cụ thể, đậu xanh, đậu đen, đậu nành, táo tàu, táo mèo, bạch quả… để làm thực phẩm; gừng, tỏi, sả… thì làm gia vị. Các hàng hóa này đều có tên trong danh mục dược liệu thuộc Thông tư 48 của Bộ Y tế.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN và tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, trước mắt, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Y tế cung cấp danh mục hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhưng chủ yếu làm thực phẩm để áp dụng chính sách nhập khẩu theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Còn về lâu dài, theo Tổng cục Hải quan, để tránh tình trạng một mặt hàng nhập khẩu thuộc hai danh mục áp dụng hai chính sách quản lý khác nhau, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Thông tư 48 theo hướng chỉ đưa vào danh mục dược liệu những sản phẩm có mục đích sử dụng làm dược liệu. Đối với những sản phẩm chủ yếu để làm thực phẩm thì đưa ra khỏi danh mục dược liệu và bổ sung vào danh mục sản phẩm thực phẩm.