Máy khoan Nhật Bản là thiết bị mới lớn mới nhất Việt Nam nhập từ Nhật Bản (ảnh minh hoạ) |
Tổng cục Hải quan vừa công bố tình hình thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), trong đó lưu ý trường hợp của Nhật Bản.
Cụ thể, Nhật Bản đang là 1 trong 4 đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong đó xuất nhập khẩu giữa hai nước đang chiếm giá trị lớn trong 21 nền kinh tế lớn hàng đầu của Diễn đàn.
Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản gồm những mặt hàng chính như: dệt may, thủy sản, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng… Trong khi đó, nhập khẩu cả DN Việt Nam đang tập trung giá trị lớn vào máy móc, thiết bị dụng cụ & phụ tùng, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện. Xu hướng nhập máy móc Nhật của DN Việt đang tăng lên.
Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm riêng tổng kim ngạch nhập khẩu Việt Nam từ Nhật Bản đạt 5 tỷ USD thì nhập máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đã vào khoảng 1,4 tỷ USD (chiếm 28% kim ngạch), mức độ này tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng nó, nếu so về tỷ trọng nhập khẩu máy móc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc 4 tháng qua chiếm 19%, tỷ trọng nhập máy móc từ Nhật Bản đang tăng lên trông thấy.
Trong khi đó, cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản 4 tháng qua cân bằng, xuất khẩu đạt 5 tỷ USD; nhập khẩu cũng đạt 5 tỷ USD. Trong năm 2016, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 29,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đạt 14,6 tỷ USD, nhập khẩu từ Nhật về đạt 15 tỷ USD, thâm hụt thương mại chỉ khoảng 400 triệu USD.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong quan hệ thương mại Việt Nam và Nhật Bản đang hướng đến cân bằng, bền vững và ngày càng mở rộng do thuận lợi từ luồng dịch chuyển vốn đầu tư, viện trợ của nước này sang Việt Nam. Điều này khác hẳn so với quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước như Hàn Quốc, ASEAN hay Trung Quốc, những thị trường Việt Nam luôn nhập siêu lớn trong thời gian gần đây.
Hiện Nhật Bản và Việt Nam đang thực hiện các điều khoản giảm thuế xuất, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng về 0% theo Hiệp định Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA) chính thức có hiệu lực 2008 và cùng nhiều hiệp định FTA (Hiệp định Thương mại tự do) giữa ASEAN và Nhật Bản.
Cụ thể, theo cam kết mở cửa thị trường và thuế quan của Hiệp định JVEPA, phía Nhật Bản sẽ áp thuế suất bình quân đánh vào hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018. Trong đó, trong vòng 10 năm (tính từ năm 2008), Nhật Bản cam kết sẽ giảm thuế suất cho 95% tổng số dòng thuế, trong đó khoảng vài nghìn dòng thuế xuống 0%.
Trong khi đó, thuế suất bình quân đánh vào hàng của Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm dần xuống còn 7% vào năm 2018. Khoảng 88% tổng số dòng thuế nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ được giảm trong vòng 10 năm (tính từ năm 2008) và 93% tổng số dòng thuế sẽ được giảm trong vòng 16 năm.