Sự ảm đạm của thị trường bất động ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của các nhà thầu xây dựng dân dụng. Ảnh: Lê Tiên |
Kết quả kinh doanh kém khả quan
Theo báo cáo tài chính vừa được Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (Phục Hưng Holdings) công bố, trong quý đầu năm 2024, Công ty đạt doanh thu 203,2 tỷ đồng, giảm 41,41%; lợi nhuận sau thuế đạt 915 triệu đồng, giảm 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Phục Hưng Holdings cũng đã trải qua năm 2023 nhiều khó khăn với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 8,5 tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2022 và là mức lãi thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Xây dựng Hòa Bình), kết thúc quý đầu năm, doanh thu đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, Công ty đạt lợi nhuận gộp 21,3 tỷ đồng. Mặc dù kết quả này cải thiện hơn khoản lỗ gộp 202,6 tỷ đồng trong quý I/2023, nhưng vẫn tương xứng so với quy mô doanh thu cũng như tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp.
Trong kỳ, hoạt động tài chính thu về 113,7 tỷ đồng, gấp 45 lần quý I/2023 với đóng góp chủ yếu từ thanh lý các khoản đầu tư và hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Sau khi trừ thuế, phí, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế 56,6 tỷ đồng trong quý I/2024, kết thúc chuỗi thua lỗ 5 quý liên tiếp, .
Công ty CP FECON (FECON) - doanh nghiệp hàng đầu về thi công nền móng, công trình ngầm - vừa công bố doanh thu quý I/2024 đạt 611 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế ở mức 635 tỷ đồng, giảm 77,4%. “Tình hình cạnh tranh của thị trường khiến Công ty ưu tiên lựa chọn các dự án có dòng tiền bảo đảm mặc dù giá thấp hơn, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn”, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc FECON cho biết.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2024 của FECON đã thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay lên tới 4.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 60 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 42 tỷ đồng của năm 2023. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I/2024 cho thấy còn nhiều thách thức để FECON thực hiện kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.
Là một trong số ít doanh nghiệp ghi nhận xu hướng tích cực về kết quả kinh doanh trong những quý gần đây, Công ty CP Xây dựng Coteccons (Coteccons) vừa báo doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.665,8 tỷ đồng trong quý III niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ 1/1/2024 đến 31/3/2024), tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 220,8 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Coteccons đạt 104,9 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ niên độ trước. Lũy kế 3 quý đầu niên độ, Coteccons đạt doanh thu thuần 14.450 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ niên độ trước và lợi nhuận sau thuế đạt 241 tỷ đồng, gấp 6,4 lần. Công ty đã thực hiện được 81,2% mục tiêu doanh thu và 88% mục tiêu lợi nhuận sau ¾ thời gian của niên độ.
Mặc dù đang phục hồi khá tốt, nhưng lợi nhuận Cotecons thu về vẫn được đánh giá là khá nhỏ so với quy mô tài sản, nguồn vốn lên đến 20.933 tỷ đồng, tính đến 31/3/2024. Thêm vào đó, đóng góp không nhỏ vào khoản lợi nhuận hiện nay đến từ các hoạt động tài chính.
Sức khỏe tài chính, dòng tiền còn nhiều khó khăn
Mặc dù đã báo lãi trở lại, nhưng tính đến cuối quý I/2024, Xây dựng Hòa Bình vẫn đang lỗ lũy kế tới 3.182 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 149,1 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên đến 14.743 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 4.485 tỷ đồng, gấp 30 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu tài sản, chiếm gần 70% là các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị lên đến 10.239 tỷ đồng. Trong bối cảnh các chủ đầu tư bất động sản vẫn cạn kiệt về dòng tiền, việc chậm thu hồi công nợ không chỉ khiến Công ty gặp vấn đề về thanh khoản mà rủi ro nợ xấu đang hiện hữu. Tính đến cuối quý I/2024, giá trị trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của Công ty lên đến 2.387 tỷ đồng.
Đến nay, việc thực hiện các giải pháp cơ cấu tài chính, thu hồi công nợ để có tiền trả nợ vay, nợ nhà cung cấp vẫn đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Xây dựng Hòa Bình. Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên ngày 26/4/2024, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, đến thời điểm diễn ra ĐHCĐ, đã có 119 nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà cung ứng vật liệu xây dựng cho Công ty đồng ý hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu. Đây là thông tin tích cực cho quá trình giải quyết bài toán giảm áp lực nợ của doanh nghiệp.
Tại Phục Hưng Holdings, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản cũng là các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị 1.565,6 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2024, chiếm hơn 53% tổng tài sản, chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng. Tổng nợ phải trả của Phục Hưng Holdings lên tới 2.276 tỷ đồng, trong đó, 1.292 tỷ đồng là các khoản nợ vay, gấp 1,92 lần vốn chủ sở hữu (670 tỷ đồng).
Sau khi âm 141 tỷ đồng trong năm 2023, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Công ty đã âm thêm 63 tỷ đồng trong quý I/2024. Hệ quả là nợ vay của Phục Hưng Holdings có xu hướng tăng, lượng tiền dự trữ có xu hướng giảm. Nợ vay cao khiến chi phí lãi vay bào mòn đáng kể con số lợi nhuận ít ỏi từ hoạt động kinh doanh.
Tại FECON, tính đến cuối quý I/2024, số dư khoản phải thu ngắn hạn là 3.886 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm và chiếm 45,8% cơ cấu tài sản. Nợ phải trả đạt 5.109 tỷ đồng, trong đó, số dư nợ vay là 2.815 tỷ đồng, với 68% là nợ vay ngắn hạn. Nợ vay lớn khiến áp lực chi phí lãi vay của FECON ở mức cao.
Với Coteccons, từ chỗ hoàn toàn không sử dụng nợ vay, Công ty bắt đầu sử dụng vốn vay từ năm 2022 và đến quý I/2024 số dư nợ vay lên đến 1.501 tỷ đồng, tăng 306 tỷ đồng so với giá trị ở thời điểm đầu niên độ tài chính (30/6/2023). Trong khi giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (bao gồm tiền gửi ngân hàng và chứng khoán kinh doanh) đến 31/3/2024 là 955 tỷ đồng, giảm 56% so với ở thời điểm đầu niên độ.
Theo giới chuyên gia, sự ảm đạm của thị trường bất động sản thời gian qua với nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, nhiều chủ đầu tư cạn dòng tiền đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của các nhà thầu xây dựng dân dụng. Doanh thu, biên lợi nhuận sụt giảm, thu hồi công nợ khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải đi vay nợ để bổ sung vốn lưu động…
Các chỉ đạo từ Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản và mặt bằng lãi suất cho vay giảm về mức thấp đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho các chủ đầu tư và giúp thị trường phục hồi, tạo tác động tích cực đến hoạt động của các nhà thầu xây dựng. Tuy vậy, quá trình phục hồi được đánh giá còn cần thêm nhiều thời gian.