Nhà thầu FECON xoay xở đủ đường khi lãi vay tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến cuối quý III/2022, nợ vay ngắn hạn của Công ty CP FECON ở mức 1.410 tỷ đồng, tăng thêm 80 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, nợ vay dài hạn tăng thêm 119 tỷ đồng thành 1.259 tỷ đồng. Lo ngại trước việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mặt bằng lãi suất tăng nhanh và các dự án bị chậm tiến độ, FECON đã lùi việc thanh toán 47,2 tỷ đồng cổ tức cho cổ đông sang năm sau...
Tính đến cuối quý III/2022, nợ vay của FECON tăng gần 200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Ảnh: Tiên Giang
Tính đến cuối quý III/2022, nợ vay của FECON tăng gần 200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Ảnh: Tiên Giang

Tháng 10 vừa qua, HĐQT FECON đã có nghị quyết về việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2021 từ cuối tháng 10 năm nay sang giữa tháng 1 năm sau. Số tiền FECON sẽ dùng thanh toán cổ tức khoảng 47,2 tỷ đồng, chiếm 17% số dư tiền và các khoản tương đương tiền cuối quý III/2022 của Công ty.

Lý do FECON đưa ra là các hoạt động đầu tư công và đầu tư đều đang ngừng trệ do nguồn vốn tín dụng rất khó khăn. Do đó, các hợp đồng mới dự kiến ký kết của Công ty đều bị chậm tiến độ. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm của Công ty.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn cuối năm, khó khăn còn đến từ việc siết chặt hoạt động tín dụng của ngân hàng và tổ chức tín dụng, room giải ngân bị hạn chế, mặt bằng lãi suất tăng nhanh và mạnh. Trong khi đó, đây là nguồn tài trợ vốn rất quan trọng để FECON cũng như các chủ đầu tư/tổng thầu có thể triển khai các dự án, hợp đồng xây dựng đã ký kết. Việc này dẫn đến tiến độ thực hiện và nguồn thu từ các dự án bị chậm, chi phí tài chính tăng cao, ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch cân đối thu chi của Công ty.

Khó khăn cũng được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý III/2022 của FECON. Cụ thể, doanh thuần của Công ty giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 664,2 tỷ đồng. Nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện, lợi nhuận gộp của Công ty vẫn tăng trưởng 9%, đạt 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản chi phí, FECON chỉ lãi sau thuế gần 0,75 tỷ đồng, bằng 3,7% cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính, các khoản chi phí trong quý III của FECON đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay đã tăng từ mức 37 tỷ đồng (quý III/2021) lên 55,8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30,7% lên gần 51 tỷ đồng và chi phí bán hàng ở mức gần 7 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, FECON ghi nhận 2.205 tỷ đồng doanh thu, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận ròng chỉ còn 2 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 71 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, năm 2021 là thời điểm ngành xây dựng bị ảnh hưởng rất lớn từ việc thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19 và giá vật liệu tăng cao.

Năm 2022, FECON đã đề ra một kế hoạch kinh doanh táo bạo với doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng, đều là những con số kỷ lục từ trước đến nay. Như vậy, kết quả kinh doanh sau 9 tháng của FECON vẫn còn rất xa với mục tiêu nói trên.

Đáng chú ý, ngày 20/10 vừa qua, FECON đã chốt bán thành công toàn bộ cổ phần còn lại tại Công ty CP Năng lượng Vĩnh Hảo 6 - chủ sở hữu Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 có công suất thiết kế 50 MWp đã được vận hành thương mại vào giữa năm 2019 - cho đối tác Leader Energy, nhà đầu tư năng lượng tái tạo hàng đầu châu Á đến từ Malaysia. Ước tính thương vụ sẽ hoàn tất vào tháng 12 và kịp ghi nhận lợi nhuận cho FECON trong năm nay.

Giới đầu tư nhận định, thương vụ này không chỉ đóng góp vào lợi nhuận của FECON, mà còn bổ sung nguồn tiền cho Công ty trong bối cảnh việc tiếp cận vốn vay bị hạn chế, lãi suất tăng cao.

Trong 9 tháng đầu năm, vay tín dụng là hoạt động mang lại nguồn tiền cho Công ty khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 162 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 423 tỷ đồng.

Chuyên đề