Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Mong kết nối cung cầu
Các nhà thầu cơ khí nội địa hiện vẫn gặp khó khi tham gia vào chuỗi thị trường cạnh tranh. Đây là trở ngại lớn nhất khi sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước theo ước tính chỉ chiếm khoảng 7% thị trường, còn trung bình mỗi năm nước ta nhập khẩu gần 10 tỷ USD các sản phẩm cơ khí. Trước thực trạng như vậy, để có đầu ra hiệu quả, nhiều nhà thầu cơ khí nội địa đang mong mỏi các động thái hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là trong hoạt động đấu thầu.
Trong buổi kết nối cung cầu các doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM mới đây, đại diện Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đã đề nghị các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa để các sản phẩm cơ khí nội địa được tham gia đấu thầu trong các dự án, công trình. DN này, với các sản phẩm đặc thù chủ lực như khuôn mẫu, ron ống nước, chuỗi silicon cách điện, chỉ sợi cao su, cọc vách nhựa PVC... đang rất muốn có được đầu ra hiệu quả từ chính sách hỗ trợ. Nhà nước nên có danh mục cụ thể sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà các nhà sản xuất trong nước làm được và hỗ trợ các DN cơ khí nội tham gia các dự án, công trình của địa phương và quốc gia như công trình cấp thoát nước, sản phẩm phục vụ nông nghiệp, công trình giao thông..., thay vì phải nhập ngoại.
Hoặc như đề xuất của nhà thầu là Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp là cần loại bỏ tư tưởng sính ngoại của các lãnh đạo chủ chốt các đơn vị sản xuất tại Việt Nam. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kết nối cung - cầu, sử dụng các sản phẩm ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ nội địa. Các công trình đầu tư mới của Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đấu thầu cho các đơn vị trong ngành và cam kết sử dụng cụ thể phần trăm sản phẩm nội địa, sản phẩm hỗ trợ trong nước sản xuất.
Có chấp nhận cạnh tranh?
“Khi không có sự hỗ trợ qua lại, các nhà sản xuất trong nước nếu trông chờ thị trường trong nước, thì phải đợi dung lượng thị trường đủ lớn và chấp nhận cạnh tranh với các nhà cung ứng từ bên ngoài đến đầu tư”, ông Tuyền nhận định.
Thực tế hiện nay cho thấy, khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa DN cơ khí nội địa và nước ngoài còn khá lớn. Theo thống kê hồi năm 2015, cả nước có khoảng 3.100 DN cơ khí, trong đó đa phần có quy mô nhỏ và vừa, vốn ít, đầu tư công nghệ ở mức trung bình nên tính cạnh tranh sản phẩm không cao, không đáp ứng đòi hỏi tiêu chuẩn công nghệ. Việt Nam vẫn đang thiếu một số DN đầu đàn có chiến lược và sản phẩm chủ lực để dẫn dắt ngành cơ khí trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) đã chỉ rõ vấn đề mấu chốt là ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí đang phụ thuộc đến 70% nguyên liệu nhập khẩu. Các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh nên hầu hết các DN tự xoay xở, chưa tạo được tính hấp dẫn để các DN đầu tư vào.
Chính vì vậy, như khuyến nghị dành cho ngành cơ khí Việt Nam từ một nhà đầu tư nước ngoài là ông Yeon In Jung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, Việt Nam cần phải có cách tiếp cận dài hạn để có những hỗ trợ pháp lý với thời hạn ít nhất 10 năm nhằm phát triển các hoạt động công nghiệp cơ khí. Ông lưu ý, chất lượng cần phải được ăn sâu vào các nhà cung cấp cơ khí trong nước và họ cần phải “làm chủ” chất lượng sản phẩm của họ 100%.