Nadiem Makarim, đồng sáng lập, CEO của Go-Jek - Ảnh: Bloomberg/Getty Images. |
Khi ra mắt dịch vụ gọi xe Go-Jek tại Indonesia vào năm 2010, Nadiem Makarim, 34 tuổi, không tưởng tượng startup này lại đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.
Với Nadiem Makarim khi đó, Go-Jek đơn giản chỉ là một cách giúp cải thiện ngành công nghiệp xe ôm tại Indonesia. Tuy nhiên, chỉ trong 6 năm, Makarim đã ghi tên vào lịch sử khi trở thành người sáng lập của startup "kỳ lân" đầu tiên của nước này - startup được định giá trên 1 tỷ USD. Hiện tại, ở tuổi 34, Makarim là giám đốc điều hành (CEO) của công ty có giá trị gần 5 tỷ USD.
Cũng giống như người sáng lập startup có tiếng khác trên thế giới, Makarim nảy ý tưởng thành lập Go-Jek khi còn ở Đại học Harvard. Lớn lên tại Indonesia, Makarim nhận thấy tầm quan trọng của xe ôm - được gọi là ojek - đối với nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, vấn đề của thị trường này là sự kém hiệu quả trong việc tính giá và thiếu độ tin cậy.
Vì vậy, khi đang học thạc sĩ tại Harvard, Makarim quyết định phải làm gì đó để giải quyết vấn đề trên, cùng với hai người đồng sáng lập Kevin Aluwi và Michaelangelo Moran.
"Tôi nghĩ rất nhiều người trước đây đã không tin rằng xe ôm có thể trở thành một thị trường chuyên nghiệp và đáng tin", Makarim nói với CNBC. "Điều đó khiến tôi rất khó chịu bởi bản thân tôi cũng biết người làm nghề này (xe ôm)".
Khi làm việc tại Indonesia, Makarim thường xuyên thuê xe ôm để giao hàng và mua đồ ăn. "Khi biết thêm về họ, tôi nhanh chóng nhận ra rằng lĩnh vực phi chính thức này vô cùng giá trị".
Go-Jek bắt đầu như một trung tâm tiếp nhận cuộc gọi đơn giản, kết nối khoảng 20 lái xe ôm ban đầu với hành khách và sau đó nhanh chóng phát triển thành ứng dụng đa dịch vụ với lực lượng đối tác hơn 1 triệu người.
Theo Makarim, thành công của Go-Jek phần lớn nhờ vào việc ra đời đúng thời điểm nền kinh tế chia sẻ bắt đầu phát triển nở rộ. Tuy nhiên, doanh nhân 34 tuổi này cho rằng Go-Jek không thể đi đến được ngày hôm nay nếu không có cách tiếp cận "phản trực giác".
"Khi chúng tôi bắt đầu, mọi người đều nói rằng anh phải thật tốt ở một thứ, bởi nếu anh không đủ tốt thì chẳng có ai dùng sản phẩm hoặc người khác sẽ đến và đánh bại anh với công nghệ tốt hơn, nhiều tiền hơn...", Makarim nhớ lại.
Đi ngược lại những lời khuyên như vậy, Go-Jek quyết định nhanh chóng mở rộng từ kinh doanh dịch vụ gọi xe đơn thuần sang giao hàng, đặt dịch vụ làm đẹp, giải trí và thậm chí cả thanh toán trực tuyến với mục đích trở thành "một nền tảng đầy đủ dịch vụ giúp giải quyết các vấn đề". Makarim cho rằng đây là điều vô cùng cần thiết ở châu Á, nơi mà lượng người dùng tăng nhanh và khách hàng thích những nền tảng tích hợp nhiều dịch vụ.
"Ngay từ ngày đầu, chúng tôi đã có tư duy rằng một khách hàng không chỉ là khách hàng gọi xe, họ còn là khách hàng của dịch vụ giao đồ ăn, thanh toán điện tử, ví trực tuyến", Makarim nói với CNBC. "Khách hàng là một người với những vấn đề hàng ngày và chúng tôi xây dựng sản phẩm xung quanh những vấn đề một người bình thường phải trải qua trong cuộc sống hàng ngày".
Makarim kì vọng chiến lược này sẽ tiếp tục mang lại "trái ngọt" khi Go-Jek mở rộng ra Đông Nam Á với tham vọng cạnh tranh và vượt qua những đối thủ lớn nhất trên thị trường ứng dụng gọi xe. Động thái này sẽ đẩy Go-Jek vào đối đầu với Grab - startup Singapore được thành lập bởi Anthony Tan - bạn cùng học Havard của Makarim.
Go-Jek hiện có mặt ở Indonesia và dự kiến ra mắt tại Việt Nam, Thái Lan và Singapore nhằm lấp chỗ trống để lại của Uber sau khi startup này bị Grab thâu tóm tại khu vực này.
"Tôi hi vọng Go-Jek sẽ được nói tới trong vòng 10 - 20 năm tới như một công ty đã chứng minh được rằng công nghệ là nhân tố chính giúp giải phóng một nền kinh tế, đưa nó phát triển nhảy vọt sang giai đoạn tiếp theo của tiến hóa xã hội", Makarim nói.