Nhà nước kiến tạo

(BĐT) - Một trong những thuật ngữ đang được Thủ tướng Chính phủ nhắc tới nhiều nhất là “nhà nước kiến tạo phát triển”. Và xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển cũng chính là tầm nhìn được Thủ tướng đưa ra cho nhiệm kỳ của mình. 
Nhà nước kiến tạo phát triển tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để mọi chủ thể đều phải vươn lên
Nhà nước kiến tạo phát triển tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để mọi chủ thể đều phải vươn lên

Vậy nội hàm của khái niệm nhà nước kiến tạo là gì? TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XIII, chia sẻ với bạn đọc Báo Đấu thầu xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, điều gì có thể nói lên rằng Việt Nam đang chuyển từ nhà nước quản lý toàn diện sang nhà nước kiến tạo phát triển?

Hãy nhìn vào những cố gắng của Chính phủ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, những cố gắng để cung cấp dịch vụ công tốt hơn, những cố gắng để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, chúng ta sẽ thấy đây là một cách làm đang ngày càng khác hơn so với trước. Tất cả những cố gắng trên đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cách nghĩ và cách làm của chúng ta. Chúng ta thật sự đang đi những bước đầu tiên trên con đường chuyển đổi từ mô hình nhà nước quản lý toàn diện sang mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. 

Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển cần một Chính phủ “cầm lái” chứ không phải “bơi chèo”?

Nhà nước kiến tạo phát triển thì không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể mưu cầu hạnh phúc. Khi và chỉ khi hàng triệu người dân Việt Nam có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và sáng tạo tương lai thì sự giàu có và thịnh vượng bền lâu mới đến với đất nước ta. Điều quan trọng là phải xây dựng cho được những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; quan hệ hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.

Nhà nước kiến tạo ảnh 1
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Ngoài ra, Nhà nước cần tìm mọi cách để cắt giảm chi phí cho người dân; đồng thời trả lại cho xã hội những chức năng mà xã hội có thể đảm nhận tốt hơn. Xã hội hóa là một bước đi cụ thể theo hướng này. Chúng ta thúc đẩy xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực to lớn từ xã hội, mà còn để trả lại cho xã hội những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Ngoài ra, để xây dựng một bộ máy nhà nước bé nhất có thể, chúng ta còn cần phải làm cho bộ máy hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.

Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước làm cho người dân trở nên thực sự có quyền lực. Mở rộng dân chủ, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách là rất quan trọng. Chỉ có mở rộng dân chủ, chúng ta mới có thể xác lập được chế độ trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục vụ dân. Chỉ có bảo đảm sự tham gia của người dân, chúng ta mới có thể làm cho chính sách, pháp luật gần với cuộc sống hơn, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân hơn. 

Pháp quyền rất quan trọng để người dân có thể tự do mưu cầu hạnh phúc. Tuy nhiên, đối với một nhà nước kiến tạo phát triển, pháp quyền có ý nghĩa như thế nào?

Một nhà nước kiến tạo phát triển phải là một nhà nước tuân thủ pháp quyền. Pháp luật trước hết ràng buộc nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng quan chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Từ việc xây dựng dự án, đề ra chính sách đến việc thực thi pháp luật, quan chức đều cần bảo đảm một cách chắc chắn rằng, pháp luật cho phép họ làm như vậy. Trước khi hành động, mọi cơ quan công quyền, mọi công chức thực thi công vụ đều phải chỉ ra được điều luật cho phép họ hành động. Việc áp dụng các chế tài của pháp luật nặng với dân, mà nhẹ với quan là không thể chấp nhận được.

Làm cách nào Nhà nước có thể thúc đẩy người dân cùng vươn lên?

Nhà nước kiến tạo phát triển cũng là một nhà nước cần biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền, mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả, và xã hội kém năng động. Một cơ chế để người tài được tuyển chọn cũng hết sức quan trọng. Một phần của cơ chế này là áp đặt chế độ trách nhiệm rất rõ ràng, để những người đứng đầu bắt buộc phải chọn cho được người tài (không chọn được người tài thì không thể hoàn thành được công việc). Tất nhiên, cũng phải trao quyền tuyển chọn cho những quan chức này.

Để làm ăn dễ dàng và tránh được rủi ro, người dân cần có đầy đủ thông tin. Nhà nước kiến tạo phát triển có thể làm gì ở đây?

Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước biết bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các phiên chất vấn, giải trình trước Quốc hội và hoạt động tranh luận ở Quốc hội là những công cụ hết sức quan trọng ở đây. Chúng làm cho chính sách và hành động của các cơ quan nhà nước trở nên rõ ràng, minh bạch. Quốc hội, đặc biệt là các phiên họp toàn thể của Quốc hội, cung cấp cho các quan chức nhà nước một diễn đàn hết sức quan trọng và hiệu quả để giải trình không chỉ với các vị đại biểu, mà còn với đông đảo nhân dân. Biết sử dụng diễn đàn này để giải trình, để làm cho các quyết định và chính sách của mình trở nên minh bạch là một kỹ năng quan trọng đối với tất cả các chính khách và các nhà lãnh đạo. Ngoài ra, giải trình trực tiếp với nhân dân cũng rất quan trọng. Chương trình “Dân hỏi, bộ trưởng trả lời”, các chương trình giao lưu trực tuyến qua các cổng thông tin điện tử là những cố gắng cụ thể theo hướng này.

Xin cám ơn ông!

Chuyên đề