Dự án Nhà máy Điện mặt trời Bình Nguyên vận hành thương mại từ ngày 27/5/2019. Ảnh: Hà Minh |
Lòng vòng thủ tục đất đai
Dự án Nhà máy Điện mặt trời Bình Nguyên có diện tích sử dụng đất khoảng 56 ha tại xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, do Công ty CP Năng lượng và Công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi (được thành lập bởi Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam và Sermsang Power Corporation - Thái Lan) làm chủ đầu tư. Dự án có công suất thiết kế khoảng 49 MW, vốn đầu tư 1.138 tỷ đồng, được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 27/5/2019.
Theo Chủ đầu tư, từ năm 1999, dự án này đã được chủ trương đầu tư theo hình thức Nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư hỗ trợ thêm. Tại thời điểm này, khi triển khai thu hồi đất, Nhà đầu tư đã chi tiền hỗ trợ nhưng chưa nhận được phần diện tích đất theo Dự án. Đến năm 2001, giá đất đền bù theo giá nhà nước tăng lên. Vì đã ký thỏa thuận đền bù và hỗ trợ trước đó nên để có đất, Nhà đầu tư tiếp tục chi hỗ trợ thêm hơn 40 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục giao đất.
Rắc rối trong quá trình giao đất cho Nhà đầu tư xuất phát từ nguyên nhân Nhà nước cho Nhà đầu tư thỏa thuận đền bù, bàn giao mặt bằng với các hộ dân trong vùng Dự án. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất của người dân là đất khai hoang, không có “sổ đỏ”. Vì vậy, muốn được giao và nhận đất, Nhà đầu tư phải làm “sổ đỏ” cho dân.
Lúc này lại vướng vào câu chuyện khác. Trên chính phần diện tích đất khai hoang của người dân mà Nhà đầu tư đang làm thủ tục chuyển đổi thành đất nông nghiệp, để phù hợp với chủ trương đầu tư Dự án, tỉnh Quảng Ngãi đã duyệt quy hoạch khu vực này là đất năng lượng nhưng chưa thực hiện thu hồi và chuyển mục đích sử dụng.
“Từ đất khai hoang phải chuyển đổi mục đích sang đất sản xuất nông nghiệp cho dân, sau đó Nhà đầu tư mới mua lại phần diện tích này của dân rồi thực hiện thủ tục chuyển đổi thành đất năng lượng. Tréo ngoe ở chỗ khi Nhà đầu tư làm sổ đất nông nghiệp cho dân thì có quyết định của tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch đất năng lượng nên không thể làm sổ cho dân theo mục đích đất nông nghiệp”, đại diện Chủ đầu tư chia sẻ.
Không những thế, số diện tích đất này trước đây người dân đã nhập vào diện tích trồng cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi. Đơn vị này đã san ủi để trồng cao su, mất hiện trạng so với bản đồ địa chính năm 2003 nên không thể làm “sổ đỏ” cho các hộ dân…
Chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi có hướng xử lý, sớm hoàn thành các thủ tục để Nhà máy vận hành theo đúng quy định của pháp luật.
Khẩn trương giải quyết các vướng mắc
Theo quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung, trong tổng diện tích của Dự án, có khoảng 5.000 m2 đất lúa chưa được HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua dẫn đến thu hồi đất kéo dài. Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, Dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng nên chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng…
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, trong quá trình thực hiện Dự án chưa có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hỗ trợ Nhà đầu tư triển khai các thủ tục. Để xảy ra sự chậm trễ này cũng có một phần trách nhiệm của Nhà đầu tư, thiếu sự phối hợp với các sở, ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến Dự án. Chính vì vậy, đến nay Nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình tổ chức vận hành Dự án.
Tỉnh Quảng Ngãi đã giao ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh trực tiếp chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vướng mắc liên quan đến Dự án. Đồng thời, Tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Bình Sơn nhanh chóng hoàn thiện bổ sung hồ sơ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất trình UBND Tỉnh thông qua Sở TN&MT trước ngày 10/5/2022; Sở TN&MT phải hoàn thành thủ tục cấp đất, cho thuê đất Dự án trước 31/5/2022; Sở Xây dựng hoàn thành cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục xây dựng trước 15/6 để Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nghiệm thu Nhà máy theo đúng quy định.