Đường ống dẫn đầu tại Texas (Mỹ). Ảnh:Reuters |
Dầu thô đã giảm 40% từ đỉnh hồi tháng 10. Chỉ riêng tuần trước, giá dầu Mỹ - WTI mất 11% - tệ nhất trong gần 3 năm qua. Hôm qua, WTI cũng lần đầu xuống dưới 45 USD kể từ tháng 7/2017.
"Từ diễn biến của dầu thô, chúng ta có thể thấy mối lo rất lớn trong năm 2019 là khả năng suy thoái. Tôi cho rằng tâm lý này đang thực sự đè nặng lên thị trường", Helima Croft - Giám đốc Chiến lược Hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết trên CNBC. Những bình luận này cũng phản ánh tâm lý đang ngày càng rõ nét tại Wall Street, rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu yếu hơn dự báo đang đẩy thị trường dầu chìm sâu vào vùng giá xuống.
Đà bán tháo vẫn tiếp tục, bất chấp tuyên bố hồi đầu tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh rằng sẽ giảm sản xuất 1,2 triệu thùng một ngày, bắt đầu từ tháng 1 năm sau. Sản lượng tăng vọt từ Mỹ, Saudi Arabia và Nga là một yếu tố khiến giá dầu đi xuống.
Tuy nhiên, Croft cho rằng dự báo kinh tế tăng trưởng chậm và nhu cầu yếu đi mới là nguyên nhân gốc rễ. "Tôi cho rằng người ta chủ yếu lo ngại về diễn biến nhu cầu trong năm tới, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc", ông nhận định. Croft không khẳng định năm tới sẽ xảy ra suy thoái, và có rất ít dấu hiệu rõ ràng về việc nền kinh tế đang co lại. Dù vậy, nhiều khảo sát khác cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ngày càng lo ngại viễn cảnh này.
Gần nửa giám đốc tài chính tham gia khảo sát của CNBC nhận thấy khả năng suy thoái cuối năm 2019. Trong khi đó, khảo sát của Deloitte chỉ ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang khiến các giám đốc tài chính mất niềm tin vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Croft cũng không phải nhà phân tích duy nhất tập trung vào khía cạnh nhu cầu trên thị trường dầu thô. Trong một thông báo tuần trước, Paul Sankey - nhà phân tích dầu thô tại Mizuho Securities cho rằng các thông tin về việc hạn chế sản xuất đã bị hiểu sai.
"Thị trường dầu đi xuống do nhu cầu có dấu hiệu yếu đi, và giảm sản xuất sẽ không có tác dụng nếu không giải quyết được vấn đề này", ông cho biết, "GDP toàn cầu sẽ liên tục được điều chỉnh giảm. Rủi ro suy thoái đang tăng - phản ánh qua thị trường chứng khoán. Nhu cầu trú ẩn cũng đang đẩy đồng đôla lên cao. Những yếu tố này đang gây sức ép lên nhu cầu dầu, từ đó đẩy giá xuống".
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu năm tới sẽ chỉ tăng thêm 1,4 triệu thùng một ngày. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho rằng con số này sẽ là 1,5 triệu. Sankey cho biết con số của OPEC thực tế hơn - 1,3 triệu, nhưng có lẽ vẫn là quá lạc quan.
Với J.P. Morgan, triển vọng có vẻ còn u ám hơn nữa. Nhà băng này chỉ dự báo nhu cầu dầu tăng 1,1 triệu thùng một ngày năm tới. "Sau khi tăng mạnh năm nay, nhu cầu các sản phẩm từ dầu mỏ tại Mỹ sẽ đi xuống, khiến tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới thấp đi. Xu hướng này sẽ còn kéo dài sang năm 2020", Abhishek Deshpande - Giám đốc Chiến lược và Nghiên cứu Dầu thô tại J.P. Morgan nhận định.