Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE |
Con số trên cho thấy, trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư gặp khá nhiều rủi ro. Chúng tôi cũng hiểu, đã là nhà đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong rằng, cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng chính sách hay điều chỉnh chính sách cần lắng nghe hơn nữa tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư để giảm thiểu tối đa những rủi ro chính sách. Chẳng hạn như vấn đề chính sách phát triển điện gió tới đây sẽ tiếp tục là cơ chế giá FIT hay cơ chế nào?
Hiện nay, xu thế chung của thế giới trong phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có phát triển điện gió là áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư nhưng ở Việt Nam chưa có điều kiện thực hiện. Như vậy, kể từ ngày 31/10/2021 đến ngày chính sách mới được ban hành, chúng ta đang có “khoảng trống” chính sách đối với phát triển điện.
Theo đó, để hài hòa lợi ích nhà đầu tư và nguồn điện cho Chính phủ theo quy hoạch được duyệt, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận giá FIT mới cắt giảm khoảng 20% so với giá FIT tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (tương đương khoảng 6,8 - 6,9 cent/kWh). Song, cơ chế này cần được kéo dài khoảng 10 năm để nhà đầu tư yên tâm hoàn vốn, sau đó đàm phán lại với Chính phủ theo bối cảnh. Theo tôi, việc giá FIT này giảm là phù hợp, bởi thực tế, từ năm 2016 đến nay, với sự phát triển của công nghệ, chi phí đầu tư dự án điện gió trên đất liền giảm khoảng 20% và năng suất của máy cũng tốt hơn so với trước. Do đó, giá FIT mới giảm tương ứng với mức trên thì lợi nhuận của nhà đầu tư cũng giảm song vẫn ở mức chấp nhận được.