Công ty CP Du lịch Bưu điện sở hữu nhiều khách sạn nằm ở vị trí đắc địa. |
Nếu đấu giá thành công, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ thu về khoảng 216 tỷ đồng.
Thời gian và địa điểm đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 8h30 ngày 18/12/2017 đến 10/1/2018. Địa điểm đấu giá tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên tổ chức phiên đấu giá số cổ phần Công ty Cổ phần Du lịch Bưu điện do Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam sở hữu.
Trước đó, tháng 9/2017, trong phiên đấu giá lần đầu tiên đã có 10 nhà đầu tư đăng ký tha gia gồm 3 tổ chức và 7 nhà đầu tư cá nhân.
Kết thúc phiên đấu giá, một nhà đầu tư là tổ chức đã trúng thầu với mức giá đặt mua cao nhất 41.500 đồng/cổ phần, cao 2,2 lần so với giá khởi điểm 18.500 đồng/cổ phiếu.
Tổng số tiền nhà đầu tư đáng lẽ phải bỏ ra để sở hữu 8,7 triệu cổ phiếu trên là 365 tỷ đồng. Theo quy định, thời gian nộp tiền mua cổ phần từ 29/9 đến ngày 7/10. Tuy nhiên, nhà đầu tư này đã từ chối thanh toán số tiền trên dẫn đến việc phải tổ chức đấu giá lại vào phiên tới đây.
Theo tài liệu công bố, Công ty Cổ phần Du lịch Bưu Điện được thành lập năm 2001 với số vốn 120 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh khách sạn bưu điện, du lịch, lữ hành. Hiện, vốn điều lệ của công ty là 97,51 tỷ đồng, trong đó VNPost nắm giữ cố phần chi phối 90,22%.
Công ty này hiện sở hữu hệ thống khách sạn nằm ở các vị trí đắc địa thuộc các trung tâm du lịch trải dài từ Bắc vào Nam. Cụ thể là 4 khách sạn: Khách sạn Bưu điện Vũng Tàu, Khách sạn Bưu điện Hạ Long, Khách sạn Bưu điện Sầm Sơn, Khách sạn Bưu Điện Cửa Lò.
Đáng nói là tại cả 4 khách sạn này, công ty đều không trực tiếp khai thác, mà chỉ đem cho thuê để thu tiền.
Báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy, doanh thu thuần công ty đạt 51,5 tỷ đồng, giảm 15,49% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 3,1 tỷ đồng giảm 93% so với năm 2015. Trong cả 2 năm 2015, 2016 công ty đều không chia cổ tức cho cổ đông.