Nhà báo chọn sự thật nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lựa chọn là câu chuyện thường ngày. Ta luôn luôn đứng trước tình huống lựa chọn hàng ngày, hàng giờ, từ việc nhỏ là sở thích, ăn uống, vui chơi, rồi việc làm, cách làm, hướng đi, giao tiếp, thái độ... cho đến nhiều lựa chọn lớn lao hơn.
Bản lĩnh của người làm báo thể hiện ở việc lựa chọn nội dung và thông tin để mang tới cho bạn đọc. Ảnh: Lê Tiên
Bản lĩnh của người làm báo thể hiện ở việc lựa chọn nội dung và thông tin để mang tới cho bạn đọc. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều khi ta đã phải thỏa hiệp, không thể chọn cái tốt nhất, mà chọn cái tạm ổn nhất. Đã nhiều lần ta lựa chọn sai, phải lựa chọn lại, phải trả giá đắt... Có nhiều người vì lựa chọn sai mà không bao giờ còn cơ hội lựa chọn tiếp nữa.

Việc của người làm báo là mang những thông tin mình tiếp nhận chia sẻ với bạn đọc. Mỗi khi ta chuẩn bị một tác phẩm, dù là từ một dòng tin, ta cũng đứng trước nhiều lựa chọn. Những lựa chọn sẽ dần làm nên ấn tượng và tình cảm của bạn đọc, xấu hay tốt, tin tưởng hay ngờ vực là do bản lĩnh của ta thể hiện ở việc lựa chọn nội dung và thông tin ta mang tới cho bạn đọc của mình.

Câu nói: “Có nhiều thứ gần giống sự thật, nhưng sự thật chỉ có một” đã nhắc nhở về khó khăn trong tiếp cận sự thật để phản ánh với bạn đọc của nhà báo.

Hồi báo chí nổi lên phong trào chống tiêu cực, tạo nên một “cơn sốt xã hội”, nhiều vụ việc động trời được phơi bày, dường như không có vùng cấm, báo chí bỗng vang động sức mạnh và vẻ đẹp quyến rũ... Giữa những ngày đó, tôi nghe trên đài kết tội đanh thép một vị tổng giám đốc với đủ mọi loại tiêu cực, lộng quyền, tham ô, lãng phí... Tôi cũng như bao nhiêu người, đã căm ghét vị tổng giám đốc này. Thế rồi có tin, ông ta thắt cổ tự tử tại phòng làm việc để minh oan cho mình. Sau đó, mới có nhiều thông tin nói lại là ông ấy không tiêu cực như vậy, ông còn có công xé rào khi kinh tế thị trường bắt đầu hình thành... Được minh oan thì ông tổng giám đốc kia đã chết.

Cũng cách đây chưa thật lâu, trên một số tờ báo có những bài viết về một vụ án giết người, cho rằng can phạm là một kẻ phạm tội tinh vi, lại còn kêu oan và kêu oan kiên trì. Và sau đó một thời gian, thủ phạm thật sự của vụ án lộ diện, nghi phạm ban đầu được tạm tha, rồi chính thức được minh oan sau 10 năm bị kết án và tù giam...

Trong hai câu chuyện trên, tôi tin rằng các nhà báo khi tiếp cận đã không tự đánh lừa mình, không cố tình phản ánh sai sự thật. Họ vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, đã không tiếp cận đúng sự thật, đã lầm tưởng cái gần giống sự thật là sự thật. Đây cũng là ví dụ cho việc báo chí nguy hiểm như thế nào khi không nhận thức và phản ánh đúng sự thật.

Một sự vật, hiện tượng đáng ca tụng, tung hô nếu nhìn ở góc độ này, nhưng ở góc độ khác, lại có thể đáng phê phán, dè bỉu... Một công trình mang lại lợi ích cho rất nhiều người, nhưng nhìn góc khác, lại xâm phạm hoặc ảnh hưởng tới lợi ích của một nhóm người khác...
Thời đại ngày nay còn phức tạp hơn rất nhiều. Bây giờ thì ta lại nhận ra thêm: “Không chỉ có một sự thật, mà có rất nhiều sự thật”.

Con người có nhiều mặt như nhiều sự thật về anh ta. Ở nơi này, khía cạnh này, anh ta hào phóng, yêu thương và tình cảm, ở nơi khác, khía cạnh khác, anh ta lại bủn xỉn và đáng ghét. Anh ta hèn nhát ở nơi này nhưng mạnh mẽ ở nơi kia. Một sự vật, hiện tượng đáng ca tụng, tung hô nếu nhìn ở góc độ này, nhưng ở góc độ khác, lại có thể đáng phê phán, dè bỉu... Một công trình mang lại lợi ích cho rất nhiều người, nhưng nhìn góc khác, lại xâm phạm hoặc ảnh hưởng tới lợi ích của một nhóm người khác...

Có rất nhiều ví dụ như thế. Xã hội ngày càng phát triển, càng phân hóa và càng khó tạo dựng đồng thuận hơn. Các nhà báo có thể đều đã cất lên tiếng nói về sự thật, nhưng tiếng nói của họ nhiều khi đối lập nhau, chính là do cách lựa chọn sự thật khác nhau, và ai cũng có lý. Và như vậy là đã có một câu hỏi đặt ra: Là nhà báo, anh đã chọn sự thật nào để mang đến cho độc giả của mình?

Tôi thán phục truyền thông của Nhật Bản và cách nước này tiếp cận với truyền thông thế giới khi phản ánh vụ thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011. Rất nhiều hình ảnh tan hoang, tàn phá nhưng tôi không hề thấy một hình ảnh nào về những thi thể, về sự tuyệt vọng của con người... Khác hẳn sau đó, khi cơn bão khủng khiếp Haiyan tràn qua một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á năm 2013, thì lại thấy rất nhiều hình ảnh về những xác chết, về sự khốn khó, tuyệt vọng của con người... Chắc chắn trong thảm họa ở Nhật Bản không thiếu hình ảnh tuyệt vọng và nhỏ nhoi của con người trước thiên nhiên. Có điều các nhà báo đã không lựa chọn sự thật này để phản ánh mà thôi. Điều này làm cho thế giới càng tin vào sức mạnh của người Nhật, tin vào sự vươn dậy của Nhật Bản. Bây giờ, nếu được chọn đến một trong hai nơi đã xảy ra thảm họa, chắc chắn tôi sẽ chọn đến Nhật Bản...

Tôi lục lại trí nhớ của mình về vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ. Cũng không có hình ảnh nào về sự tang thương và kinh hãi của con người. Không có máu me, chết cháy, đống xác người... Chỉ có vài hình ảnh người rơi ra từ tòa tháp đôi, đủ cho ta hình dung mức độ khủng khiếp nhưng không tuyệt vọng...

Truyền thông nhiều nước phát triển, khi phản ánh các vụ bạo lực, xả súng giết người hay các vụ tai nạn ở mức thảm họa, họ đều cố tránh đưa các hình ảnh hạ thấp phẩm cách con người và sự ghê rợn của hiện trường. Nếu cần, họ dựng bằng các mô hình, đồ họa. Trong khi chúng ta thì sao? Nhiều khi trong bữa tối, ta xem truyền hình phản ánh về một vụ tai nạn hay đưa câu chuyện về dịch bệnh, ô nhiễm... ta phải dừng ngang bát cơm.

Có những doanh nhân thành đạt, vì tự hào mình là người Việt, vì hoài bão lớn với đất nước, đã đầu tư tại quê nhà, họ làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng đất nghèo khó, họ tạo dựng nên những giá trị lớn lao đến không ngờ cho những vùng núi, vùng biển bỏ hoang bao nhiêu đời nay. Nhưng không khéo lại trở nên “xấu xí” trên truyền thông vì họ, hay đối tác của họ, hay ngay cả chính quyền địa phương, khi chuẩn bị và hợp tác, trong quá trình triển khai, đã không bao quát hết, bao quát cho thật đầy đủ những ảnh hưởng tới mọi người liên quan. Trong thực hiện những dự án, có sự cố ngoài ý muốn, nếu không “quản lý” và “xử lý” kịp thời, có thể trở thành “thảm họa truyền thông” ngay.

Bây giờ đã có một khoa học, gọi là ứng xử với truyền thông, rồi có đúc kết kinh nghiệm xử lý “khủng hoảng truyền thông”, rồi kỹ năng biến “đám cháy” thành “hoa đăng” trong môi trường truyền thông.

Hay nhỉ? Nhà báo đã biến thành một đối tượng cần hết sức cảnh giác trong ứng xử từ bao giờ vậy? Nếu nhà báo là người luôn biết lựa chọn sự thật, không vụ lợi cá nhân, mà vì cộng đồng, vì hình ảnh và phẩm cách dân tộc mình, vì đổi mới, phát triển, thì xã hội đâu phải cần đến những kinh nghiệm và kỹ năng ấy?

Bởi vì có một sự thật là, có nhiều nhà báo chưa có phẩm cách cao hơn công dân, chưa có một trái tim nồng ấm, còn thiếu nhiều hiểu biết và kỹ năng để dẫn đường cho tư duy và lựa chọn của mình, xứng đáng với nghề nghiệp cao quý của mình.

Chuyên đề