Nhiều doanh nghiệp bất động sản có luồng tiền dồi dào và khá lành mạnh. Ảnh: Lê Tiên |
Vẫn kiểm soát như những năm trước
Kết thúc quý I, nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở Hà Nội cho biết đã giải ngân được 9 bộ hồ sơ vay mua bất động sản, tổng trị giá giải ngân hơn 6 tỷ đồng, xấp xỉ con số của cùng kỳ năm ngoái.
“Tôi chưa nhận được chỉ đạo về giảm giải ngân cho vay bất động sản. Mặt khác, các chỉ tiêu tín dụng đối với cho vay bất động sản vẫn được giao tương đương năm ngoái”, nhân viên tín dụng này cho biết và nói thêm: “Chúng tôi được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn về hồ sơ vay vốn. Điều này cũng đã được yêu cầu thực hiện từ năm 2018. Chẳng hạn, bộ hồ sơ vay vốn buộc phải có thông tin chính xác về thẻ bảo hiểm y tế của người vay, trong khi trước đây không cần nội dung này. Lãi suất cho vay cũng ở mức 12 - 13%/năm, không cao hơn mức lãi suất của năm 2018”.
Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14%, tương đương với năm ngoái và nhấn mạnh chủ trương mở rộng tín dụng có kiểm soát.
Thông điệp này của Ngân hàng Nhà nước được hiểu là không nêu rõ việc siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, hay nói cách khác, các ngân hàng còn dư địa và có khả năng kiểm soát tốt thì có thể đưa vốn vào lĩnh vực này.
Bình luận về xu hướng này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nói: “Chủ trương siết tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm đã được Ngân hàng Nhà nước đặt ra những năm gần đây. Với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến 14% cho năm 2019, nếu kiểm soát tốt thì vốn từ ngân hàng vào bất động sản vẫn không đáng lo. Bên cạnh đó, thị trường này vẫn còn nhiều nguồn vốn khả quan khác”.
Còn nhiều nguồn tiền dồi dào
Cùng quan điểm về việc thị trường bất động sản hiện còn nhiều nguồn lực khác ngoài vốn tín dụng, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có nhiều dòng vốn khác vào thị trường này, đáng chú ý là tiền từ bản thân các doanh nghiệp bất động sản hiện khá dồi dào.
Trở lại với tín dụng, ông Chung phân tích, đây là nguồn vốn chiếm trên 70% tổng nguồn tiền đổ vào thị trường bất động sản hiện nay. Từ 1/1/2019, nguồn tiền này chịu tác động chính sách. Cụ thể là quy định về số vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ở các ngân hàng từ con số 45% xuống còn 40%, hệ số rủi ro với tín dụng bất động sản lên mức 200% từ mức 150%.
“Về chỉ số, đây là mức thắt tín dụng bất động sản chặt nhất từ trước đến nay và tất cả các tổ chức tín dụng đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, trong một động thái khác, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ định hướng điều hành chính sách tiền tệ là mở rộng tín dụng có kiểm soát. Điều này được hiểu là không siết chặt theo lĩnh vực, mà tổ chức tín dụng nào còn dư địa và có năng lực kiểm soát thì vẫn có thể đổ vốn vào lĩnh vực này và đương nhiên phải tuân thủ các con số nêu trên”, ông Chung nói.
Về vốn từ nội tại doanh nghiệp bất động sản, những năm qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã kinh doanh tốt lại vừa không đầu tư ngoài ngành nên luồng tiền từ bản thân các doanh nghiệp là khá lành mạnh. “Các doanh nghiệp có thực lực. Do đó, dù tín dụng ngân hàng có phần bị siết nhưng các doanh nghiệp bất động sản không quá đáng ngại”, ông Chung nói.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản còn có một số luồng tiền tích cực dù chưa tạo thành dòng chủ lực lớn. Đó là vốn từ thị trường chứng khoán, kiều hối, tư nhân trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn từ tư nhân nước ngoài tham gia mua bán và đầu tư vào dự án, vốn từ sản phẩm tài chính phái sinh như trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Chung, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực thì dòng vốn từ thị trường này đổ sang thị trường bất động sản cũng khả quan. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chỉ số VN Index có tăng nhưng chỉ dao động quanh mức 10% nên chưa đủ lực để tạo cú huých chuyển vốn sang thị trường bất động sản.
Về vốn FDI, tính đến ngày 20/3/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018.
“Vốn FDI đăng ký cấp mới tăng chủ yếu nhờ hiệu ứng của cột mốc 30 năm thu hút FDI và một số động thái mới của hiệu ứng CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Vốn này chủ yếu đổ vào các công trình và chắc chắn có tác động lan tỏa với lĩnh vực bất động sản. Nếu số vốn này tiếp tục đà tăng như 3 tháng đầu năm thì hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi lớn”, ông Chung nhấn mạnh.