Nguồn vốn lớn, cần giải pháp đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải ngân số vốn kế hoạch đầu tư công tăng khoảng 25% so với năm 2022 cùng toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm và đầy thách thức trong năm 2023. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, để thực hiện thành công nhiệm vụ này, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 là trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 140.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 là trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 140.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Hướng dòng vốn đúng lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương 5 - 6% GDP nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn mồi dẫn dắt, định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hóa, phát triển kết cấu hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP. Mặt khác, nguồn vốn được giải ngân gián tiếp đưa tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn cho năm 2023.

Năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế Việt Nam đối diện với thách thức, khó khăn lớn hơn. Theo nhiều chuyên gia, xuất khẩu có thể giảm sút, tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân khó có thể bứt phá mạnh, vì thế tăng trưởng trông cậy nhiều nhất vào giải ngân đầu tư công. Trước bài toán kinh tế dự báo suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, nhất là trong điều kiện dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa thể xử lý trong thời gian ngắn như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu...

Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhận định, năm 2023, số vốn đầu tư công khá cao. Vấn đề là làm sao đưa đầu tư công vào đúng lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh các hình thức truyền thống, đầu tư công tới đây nên mở rộng sang các hình thức mới như đặt hàng doanh nghiệp làm ra các sản phẩm thiết yếu cho đất nước.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực. Ngược lại, nếu dòng vốn không đi vào đúng lĩnh vực, đúng tiến độ thì hiệu quả sẽ không như mong muốn, thậm chí còn có thể gây những bất ổn. Yêu cầu mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa là phải gắn dòng vốn đó vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho tăng trưởng.

Tăng trách nhiệm cá nhân, gỡ điểm nghẽn

Lượng vốn đầu tư công lớn hơn vừa tạo ra dư địa, cơ hội cho tăng trưởng năm 2023 nhưng cũng đặt ra thách thức rất lớn, làm sao giải ngân hiệu quả, đạt tiến độ, chất lượng, trong khi còn rất nhiều điểm nghẽn, khó khăn cản trở tiến độ thực hiện dự án, giải ngân.

Tại các hội nghị, cuộc họp về thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nêu ra nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, Bộ KH&ĐT đã báo cáo, tổng hợp 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu, đó là nhóm thể chế, chính sách pháp luật; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm kế hoạch.

Đề xuất các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến đầu vào của hoạt động đầu tư công.

Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện, nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu là yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ, hiệu quả giải ngân đầu tư công. Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo quyết liệt, trách nhiệm cao, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì giải ngân đầu tư công thuận lợi, đạt hiệu quả cao hơn.

Từ góc độ nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị, bên cạnh các chỉ đạo của Chính phủ về chuẩn bị ngân sách, giải phóng mặt bằng, cần có kế hoạch rà soát, phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý I/2023 cho kịp triển khai các dự án đầu tư công. Cần bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho các gói thầu hạ tầng. Cùng với đó, cần có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý, giải quyết các phát sinh, điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của các gói thầu. Ông Hiệp đề xuất, cần nghiên cứu ban hành cơ chế tổng thầu, cơ chế liên danh, cơ chế xét thầu phù hợp cho các gói thầu xây dựng hạ tầng lớn để tập hợp được sức mạnh của các nhà thầu Việt Nam.

Chuyên đề