Nghiên cứu cơ chế thông thoáng hơn cho vật liệu đất đắp nền

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo quy định của Luật Khoáng sản, vật liệu đắp nền được coi là một loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổ chức kinh tế, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì sẽ phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác, nộp một số khoản tiền thì mới được tiếp tục khai thác.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý về đất đai, đầu tư, bất động sản

Ông Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý về đất đai, đầu tư, bất động sản

Trong trường hợp nhà đầu tư có một dự án đã được cấp phép (ví dụ dự án khu đô thị hoặc khu công nghiệp...) thì khi thi công đương nhiên phải san nền, sẽ phát sinh đất đắp nền dư thừa cần vận chuyển đổ đi, hoặc tận dụng để đắp nền cho chính dự án (thuật ngữ của ngành giao thông gọi là điều phối đào - đắp). Nếu chủ đầu tư có 2 dự án lân cận, 1 dự án thừa đất đào, 1 dự án thiếu đất đắp, khi xuất hiện nhu cầu muốn điều phối đất giữa 2 dự án sẽ phải thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản, chứ không thể thực hiện theo cách “đơn giản” được.

Việc thiếu hụt vật liệu đắp nền cao tốc Bắc - Nam hiện nay cũng có phần xuất phát từ bất cập nêu trên, khi thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất đắp theo quy định của Luật Khoáng sản không khác gì quy trình cấp phép khai thác mỏ vàng, trải qua nhiều công đoạn nhiêu khê, kéo dài.

Theo tôi, đất san nền chỉ nên coi là một loại “tài nguyên” và chịu thuế tài nguyên, không nên coi là “khoáng sản”. Chỉ những loại đất quý, đất hiếm chứa khoáng vật, khoáng chất quý mới nên coi là “khoáng sản”. Ngoài ra, nếu coi việc san nền, phát sinh đất đắp nền dư thừa là “phát hiện” ra khoáng sản cũng hết sức khiên cưỡng.

Luật Khoáng sản ban hành đã 13 năm và đã đến lúc cần sửa đổi, thay thế. Vấn đề khoáng sản làm vật liệu san lấp thông thường nhất thiết phải xử lý triệt để trong Luật Khoáng sản (sửa đổi) và cần cơ chế thông thoáng hơn. Việc thay đổi cách nhìn nhận sẽ dẫn đến thay đổi cơ chế, chính sách áp dụng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu.

Chuyên đề