Ngày xuân bàn chuyện trọng dụng nhân tài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 đến với đất nước ta bắt đầu bằng một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng. Đó là Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh giá tổng quát công cuộc đổi mới đất nước 35 năm qua, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhân tài là nguồn lực, là “chìa khóa” của mọi sự phát triển. Ảnh: Tiên Giang
Nhân tài là nguồn lực, là “chìa khóa” của mọi sự phát triển. Ảnh: Tiên Giang

Để đạt được mục tiêu đó, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Có thể nói, quan điểm này là sự kế thừa, phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhìn lại lịch sử, cốt lõi của mọi thành công chính là việc đi lên bằng trí tuệ của con người Việt Nam, trong đó việc thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là nhân tố quyết định!

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, có thể thấy, việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài mà người xưa gọi là “cầu người hiền tài” luôn là phương châm và là một trong những phép trị nước được các triều đại phong kiến đặt lên hàng đầu. Điển hình là vào thời Lê, vua Lê Thánh Tông chủ trương chọn người có tài và đức qua thi cử, bãi bỏ tập tục cha truyền con nối cho các gia đình công thần. Chính vì có chính sách đào tạo, kén chọn người tài và đối đãi với người tài rất trọng hậu mà thời Lê đã sản sinh nhiều bậc hiền tài cho đất nước, góp phần đưa quốc gia Đại Việt phát triển cường thịnh trên nhiều mặt. Cũng chính vua Lê Thánh Tông đã giao cho tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) dựng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong đó có đoạn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Những lời ấy đã được khắc vào bia đá, để lại cho muôn đời con cháu noi theo mà thực hiện.

Bên cạnh hình thức khoa cử thì tiến cử và bảo cử cũng là biện pháp mà các triều đại phong kiến Việt Nam thường sử dụng để tuyển chọn nhân tài. Việc tiến cử và bảo cử thường được khởi đầu bằng động thái “cầu hiền” của vua hoặc triều đình. Chiếu cầu hiền của nhà vua thường tuyên bố rõ chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, cổ vũ người tài ra phò vua giúp nước, đồng thời lệnh cho các địa phương tiến cử nhân tài. Khi đã chọn được nhân tài, người xưa cũng dựa vào nguyên tắc tùy tài mà giao việc, nên hầu hết những nhân tài ấy đều trở thành những vị quan mẫn cán, thanh liêm của triều đình, được quần thần trọng nể và dân chúng kính phục.

Trong chế độ phong kiến, các bậc thánh đế, minh vương nhờ vào việc trọng dụng nhân tài mà xây dựng quốc gia thịnh trị, vững bền. Đó là thực tiễn có tính quy luật cầm quyền: Nhân tài chính là lực lượng vật chất kiến tạo xã hội. Chính vì vậy, trong “Chiếu lập học” của Hoàng đế Quang Trung, do Nguyễn Thiếp phụng soạn, có viết: “Lập quốc dĩ giáo học vi tiên. Bình trị dĩ nhân tài vi bản”, nghĩa là: Việc tạo lập nhà nước phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu để nâng cao dân trí. Để xây dựng đất nước thì phải coi nhân tài là gốc rễ của kiến tạo, phát triển.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, ngay trong những ngày tháng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời phải đối phó với âm mưu của thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, ngày 20/11/1946, Báo Cứu quốc đã đăng Công thư ký tên “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam - Hồ Chí Minh” giao Ủy ban Hành chính các cấp tìm kiếm nhân tài ra giúp nước. Công thư có đoạn: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Đây chính là một dạng “Chiếu cầu hiền” của người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam non trẻ lúc bấy giờ.

Trong những năm qua, kế thừa di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương cụ thể về phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài nhằm phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước.

Tuy nhiên, có một thực tế là quan điểm của Đảng và Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài chỉ được quy định rải rác trong một số văn bản, chưa được xây dựng thành chiến lược quốc gia hoàn chỉnh, chưa được thể chế hoá bằng một văn bản ở tầm đạo luật như “Chiếu cầu hiền” xưa kia. Do vậy, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài mỗi nơi một khác, có tính chiếu lệ, và dĩ nhiên là hiệu quả chưa cao. Thậm chí đã có nơi, có lúc, người ta “mượn” chính sách này để sản sinh ra những “nhân tài giả”, những “tiến sĩ giấy” và những quan chức tham nhũng, chỉ biết thu vén cá nhân, làm hại cho đất nước!

Chính vì vậy, trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nêu: “Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”; “chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội”. Thực hiện chủ trương đó, mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và người dân tâm huyết với “nguyên khí” quốc gia.

Xuân Tân Sửu 2021 này, với thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với sự ra đời của Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, hy vọng rằng đất nước ta sẽ sang một trang mới, có chuyển động rõ rệt trong lĩnh vực thu hút, sử dụng nhân tài, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, bằng cấp; tuyển chọn nhân sự tất cả các cấp theo cơ chế thi tuyển, bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch… Chỉ có làm như vậy, đất nước mới có được những nhân tài thật sự. Bởi không ai khác, chính những nhân tài ấy là nguồn lực, là “chìa khóa” của mọi sự phát triển. Như cách nói của người xưa, đó là gốc rễ của sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư