Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là nguồn cảm hứng vô tận cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người |
Năm 2012, tôi tham gia đoàn nhà văn Việt Nam sang Mỹ theo lời mời của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chuyến đi được thực hiện với chủ đề: “Nước Mỹ đương đại dưới góc nhìn của các nhà văn Việt Nam”. Trong buổi gặp gỡ nhóm nhà văn và trí thức gốc Á tại TP. Iowa, tôi làm quen với một nữ học giả lớn tuổi người Philippines. Trong câu chuyện, bà đề cập đến Cách mạng Tháng 8 và Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Bà đặc biệt ca ngợi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Theo bà, đó là kỳ tích của nhân loại. Bà bảo rằng, bà rất trân trọng và thán phục người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Tôi chia sẻ những đánh giá của bà và thầm nghĩ: Độc lập và tự do là cốt tử của dân tộc. Một dân tộc không có độc lập, tự do cũng có nghĩa không có gì hết. Họ bị nô dịch, mất sức sống. Nghĩ đến Cách mạng Tháng 8, ngày 2/9/1945 rồi chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, tôi thật sự tự hào. Bởi vì, cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta là vô cùng thiêng liêng, phải đánh đổi biết bao xương máu của nhân dân, bao nhiêu nỗi đau và những bi kịch nát tan trên đất nước này. Không ai tự hào về nỗi đau thương, nhưng chúng ta tự hào vì không một thế lực xâm lược nào có thể khuất phục, có thể tiêu diệt ý chí giành độc lập của người Việt Nam.
Một lần khác, vào mùa hè năm 2010, tôi may mắn đến thăm đất nước Algeria ở châu Phi xa xôi. Điều làm tôi ngạc nhiên là sự đón tiếp nồng hậu của bạn với đoàn Việt Nam. Chúng tôi được sống trong không khí của những người thân; được bố trí ăn, ở trong những ngôi biệt thự xinh đẹp, nhỏ nhắn nằm trong khu rừng rộng xanh biếc, xen giữa những bồn hoa lạ mắt nhiều màu sắc giữa Thủ đô. Một buổi tối, trò chuyện cùng ông Abdelkrim Hassani, cựu chiến binh Algeria, tôi như được sống trong không khí hào hùng của tinh thần Cách mạng Tháng 8.
Ông Abdelkrim Hassani nói chuyện say sưa về lịch sử của Việt Nam, Algeria, về mối quan hệ chân tình truyền thống, về “những người cùng chiến hào”, chiến đấu vì lương tâm và phẩm giá của mỗi dân tộc. Trong câu chuyện, ông không ngớt lời ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông khẳng định, nếu không có Cách mạng Tháng 8 và chiến thắng Điện Biên Phủ, thì không thể có Algeria dân chủ và độc lập ngày nay. Mà không phải chỉ ở Algeria, nhiều nước châu Á, Phi, Mỹ La tinh… cũng giành được độc lập như thế. Chính vì bắt nguồn từ cảm hứng Việt Nam mà nhiều dân tộc thuộc địa đứng lên lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập cho tổ quốc mình.
Độc lập và tự do là cốt tử của dân tộc. Một dân tộc không có độc lập, tự do cũng có nghĩa không có gì hết. Họ bị nô dịch, mất sức sống. Cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta là vô cùng thiêng liêng, phải đánh đổi biết bao xương máu của nhân dân, bao nhiêu nỗi đau và những bi kịch nát tan trên đất nước này. Không ai tự hào về nỗi đau thương, nhưng chúng ta tự hào vì không một thế lực xâm lược nào có thể khuất phục, có thể tiêu diệt ý chí giành độc lập của người Việt Nam.
Còn nhà sử học, tiến sĩ Abdelmadjid Chikhi bày tỏ: “Chúng tôi luôn ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mọi người dân Algeria không bao giờ quên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Đó là chiến thắng của tất cả các dân tộc thuộc địa. Việt Nam là nguồn cảm hứng để chúng tôi chiến đấu và chiến thắng thực dân...”.
Những ngày ở Algeria, tôi còn được nghe nhiều nhân sĩ, trí thức Algeria nói về Việt Nam và Hồ Chí Minh với tất cả tấm lòng chân thành, tôn kính nhất. Với Bác Hồ, họ khẳng định đó là “người đàn ông có bộ óc vĩ đại”. Người biết cách kết hợp những lý tưởng vĩ đại của thế giới với bản sắc Việt Nam, sử dụng thông thái và tài tình tất cả những gì sẵn có của Việt Nam để mang lại độc lập và tự do cho dân tộc mình. Có một nhận xét mà các học giả trên thế giới đều thống nhất: “Hồ Chí Minh là hiện thân khát vọng độc lập và tự do của những người bị áp bức”.
Khi tranh thủ ghé thăm Bảo tàng Cách mạng quốc gia Algeria, một điều đặc biệt thú vị trong bảo tàng là các bạn Algeria dành hẳn một góc trang trọng trưng bày nhiều hình ảnh và hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cho đến tận ngày nay, trong mọi cuộc tiếp xúc và gặp gỡ Việt Nam - Algeria, các bạn vẫn dành cho Việt Nam những tình cảm chân thành và lòng cảm phục sâu sắc nhất. Ông Abdelkader Bensalah, một chính trị gia có uy tín nói: “Ngày nay, hơn ai hết, chúng tôi luôn khao khát được nhìn thấy Việt Nam lật qua trang sử mới để xây dựng một đất nước thịnh vượng, giàu đẹp...”.
Tôi sực nhớ đến nhà thơ Ko Un (Hàn Quốc, từng 3 lần được đề cử giải Nobel văn học), trong một cuộc gặp gỡ các nhà thơ thế giới, đã nói với tôi: Việt Nam có Hồ Chí Minh là nhân vật kiệt xuất. Ông là lãnh tụ chiến đấu không mệt mỏi và đã mang đến cho Việt Nam độc lập, thống nhất trọn vẹn, điều mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng làm được. Khi nhà thơ Ko Un sang thăm Việt Nam năm 2012, việc đầu tiên là ông cùng vợ dành một ngày thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh và vào Lăng viếng Bác Hồ. Ông nói: “Tôi rất kính trọng Bác Hồ. Bác là hình mẫu của một lãnh tụ chiến đấu cho độc lập, tự do…”.
Những năm gần đây, thật không may, nền độc lập xây bằng máu và nước mắt của nhân dân ta suốt ngàn năm lịch sử lại bị khuấy động. Vùng biển đặc quyền Việt Nam liên tục bị Trung Quốc quấy phá, chèn ép, gây khó khăn, làm xáo trộn đời sống chung, đặc biệt là của ngư dân. Trong ngày Độc lập 2/9 này, mỗi người Việt Nam lại hướng ra biển cả. Chúng ta không chiếm của ai, nhưng dứt khoát không để ngoại bang xâm phạm. Chúng ta kiên quyết bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc, bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Bình Ngô đại cáo từng viết: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa không chỉ là hành xử yêu thương mà còn phải làm cho dân có cuộc sống bình an (yên dân), và cách làm chính là “trừ bạo”. Có thế mới đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Và đó cũng là đạo lý, lẽ sống ngàn đời của người dân Việt.