Ngành vật liệu xây dựng chưa thể xuất hiện cú hích trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Vietnam Report, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) nằm trong mắt xích cuối của chuỗi giá trị "bất động sản - xây dựng - VLXD", sẽ khó có cú hích cho sự tăng trưởng trong năm 2024 khi những vướng mắc thị trường bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ hoàn hoàn. Dẫu vậy, ngành VLXD vẫn có những điểm sáng đến từ đầu tư công, thu hút dòng vốn FDI, sự nhận thức về môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng tăng…

Khảo sát doanh nghiệp VLXD của Vietnam Report cho thấy, năm vừa qua, 5 động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh gồm: "Uy tín, thương hiệu của công ty trên thị trường (92,3%)"; "Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành (61,5%)"; "Phát triển các dòng sản phẩm mới, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh (53,8%)"; "Rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả (46,2%)"; "Sẵn đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao (46,2%)". Top 5 động lực lớn nhất đều thuộc yếu tố bên trong doanh nghiệp.

Trong số 3 động lực bên ngoài, đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng được cải thiện trở thành động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp VLXD trong 12 tháng tới với tỷ lệ 65,0% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn.

"Lực đẩy" lớn cho thị trường VLXD đến từ những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Bởi từ những tháng cuối năm 2023, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị. Với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như các đường vành đai, cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp trong năm 2024.

Tuy nhiên, nhu cầu VLXD từ đầu tư công chưa thể bù đắp được lượng dư cung VLXD và có thể dư hơn nữa nếu các doanh nghiệp hoạt động tối đa công suất thiết kế. Vì vậy, theo Vietnam Report, doanh nghiệp cần mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm và vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2023 và tháng 2/2024

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2023 và tháng 2/2024

Những tín hiệu phục hồi cho thị trường VLXD còn khá mờ nhạt. Trước hết là sự phụ thuộc của ngành VLXD vào bất động sản còn quá lớn, trong khi ngành bất động sản vẫn còn khó khăn và phục hồi ở mức độ chậm, chưa thể trở thành cú hích cho thị trường VLXD lội ngược dòng trong ngắn hạn.

"Chỉ khi nào bước qua giai đoạn khó khăn của chu kỳ kinh tế, các điểm nghẽn trên thị trường được tháo gỡ, nguồn cung bất động sản tăng trở lại hứa hẹn là thời kỳ phát triển mạnh mẽ và ổn định của ngành VLXD", báo cáo của Vietnam Report nhận xét.

Đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những tín hiệu tích cực về ổn định chính trị, môi trường đầu tư tốt, cũng như các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI kỳ vọng sẽ tiếp tục được đổ về, tạo đà bứt phá cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, kể cả khi dòng vốn này thành hiện thực, hoạt động triển khai các dự án cũng phải đến giữa năm sau mới sôi động. Cũng có nghĩa là, trong ngắn hạn, có rất ít tác động đến thị trường VLXD.

Bên cạnh đó, việc Quốc hội chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư tháo gỡ khó khăn, sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản và từ đó đưa thị trường VLXD bật tăng trở lại.

Con đường xanh hóa ngành VLXD

Xanh hóa ngành VLXD sẽ là con đường tất yếu mà các doanh nghiệp phải lựa chọn nhằm hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên khan hiếm, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường.

Thời gian qua khi giá năng lượng như than đá, điện, khí đốt đều tăng cao, yếu tố chi phí này đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhận thức tốt hơn về phát triển bền vững, thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Theo khảo sát của Vietnam Report, 17,5% số doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch; 59,3% số doanh nghiệp đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG; 23,2% số doanh nghiệp còn lại đã lập kế hoạch và triển khai toàn diện cam kết ESG.

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2024

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2024

Việc thực hành ESG hay những cam kết về phát triển bền vững không còn là lựa chọn của doanh nghiệp mà đã trở thành bắt buộc khi EU đã áp dụng thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất – như sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, hydro, điện – và sẽ được mở rộng sang các ngành khác theo lộ trình. Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của bốn mặt hàng xuất khẩu này. Thực hiện cơ chế CBAM, trong dài hạn, sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các doanh nghiệp Việt có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.

Cơ chế CBAM của EU một lần nữa cũng cho thấy những quy định, tiêu chí ngày càng chặt chẽ hơn trên phạm vi toàn cầu nhằm gắn chặt hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế với vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặc dù quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước để doanh nghiệp có thể dần thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều khi có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025. Vì thế, các doanh nghiệp không nên chờ đợi đến khi EU bắt đầu áp dụng, mới gấp rút ứng phó mà ngay từ bây giờ nên chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh; cần đưa ra lộ trình cụ thể, huy động và tìm kiếm nguồn lực, tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu của CBAM.

Chuyên đề