Ngành dệt may lo mất 30 - 40% đơn hàng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
CEO Vinatex dự báo 6 tháng cuối năm, rất khó để duy trì 100% việc làm cho toàn bộ lao động ngành dệt may. Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng này có thể giảm khoảng 30-40%.
6 tháng cuối năm được dự báo sẽ là thời gian khó
khăn của ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu thiếu hụt.
6 tháng cuối năm được dự báo sẽ là thời gian khó khăn của ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu thiếu hụt.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường mới đây đã chia sẻ một số khó khăn của ngành dệt may 6 tháng đầu năm và thách thức đến cuối năm.

Ông Trường cho biết với riêng Vinatex, tổng doanh thu hợp nhất ước giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận hợp nhất ước giảm 25%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức giảm thấp hơn so với dự báo trước đó.

Vị này cho biết đa số các đơn vị thành viên vẫn tạo ra lợi nhuận, ngoại trừ các doanh nghiệp ngành sợi. Nguyên nhân do khó khăn kéo dài về thị trường và ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng Mỹ - Trung.

Vinatex vẫn có nguồn hàng kéo lại, đó là các sản phẩm khẩu trang và PPE (trang bị bảo hộ cá nhân) nói chung. Điều đó giúp các cơ sở sản xuất chưa bị lâm vào tình trạng thiếu việc làm trầm trọng, vẫn có thanh khoản tốt do bán hàng khẩu trang và PPE chủ yếu thu tiền trực tiếp, kể cả ứng trước. Ông này cho biết 100% nhân viên vẫn có việc.

Tuy nhiên, khi nói về 6 tháng cuối năm, ông Trường cho biết rất thách thức. Cụ thể, vị này cho biết thị trường và nhu cầu PPE đang và sẽ thu hẹp rất nhanh. Đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu này sẽ gần như trở về mức cầu bình thường từ tháng 9.

Trong khi đó tại Việt Nam, việc các nhà sản xuất ồ ạt sản xuất mặt hàng này trong giai đoạn vừa qua đã dẫn tới nguồn cung lớn hơn cầu. Giá cả đã tới giới hạn của chi phí. Mặt hàng PPE không còn dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả. Việc trông đợi vào nhu cầu PPE như 6 tháng đầu năm là không còn thực tế.

Ông Trường cũng phân tích dịch bệnh trên thế giới có giảm tốc nhưng chưa chấm dứt và cũng khó dự báo về thời gian trở lại bình thường. Các quốc gia đưa ra lệnh chấm dứt giãn cách, không bắt buộc sử dụng khẩu trang nữa nhưng việc làm và thu nhập vẫn chưa phục hồi. Điều này có tác động đến mức cầu hàng hóa tiêu dùng.

Theo nghiên cứu, ngân sách dành cho hàng may mặc rất hạn chế trong giai đoạn hiện nay. Xu thế tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, hạn mức mua sắm thấp đi… sẽ chi phối thị trường thời trang trong thời gian tới.

Hơn nữa, việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn, giá thấp hơn, áp lực của người mua lớn hơn.

Do đó, CEO Trường dự báo trong 6 tháng cuối năm thị trường xuất khẩu có nguy cơ giảm 30-40% so với năm trước. Giá bán cũng sẽ chịu áp lực giảm, thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn sẽ là chủ đề chi phối hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông dự báo việc làm không đủ cho toàn bộ hệ thống, thấp hơn cả mức có thể san sẻ của người lao động cho nhau để duy trì 100% việc làm.

Trong bối cảnh này, ông Trường cho rằng cần triển khai giải pháp để có thể phục vụ được các mặt hàng cơ bản cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn; tiếp tục tập trung tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; chấp nhận cạnh tranh và sản xuất trong điều kiện khó khăn để duy trì hệ thống.

Chuyên đề