Một dự án bất động sản ở huyện Nhà Bè được ngân hàng rao bán |
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Nam, với tổng dư nợ của khoản nợ tính đến đầu tháng 2-2020 hơn 32,28 tỉ đồng (trong đó dự nợ gốc là hơn 17 tỉ đồng, còn lại là lãi, phí phạt).
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư của dự án "Trạm chiết nạp gas Hải Dương" gồm các công trình, máy móc thiết bị; tài sản gắn liền với đất; 90.065 vỏ bình gas; ôtô các loại; 406.325 cổ phiếu Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải thuộc sở hữu của ông Nguyễn D.H.… Giá khởi điểm của khoản nợ là hơn 21,1 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, BIDV chi nhánh Thành Nam (Nam Định) vừa thông báo bán đấu giá tài sản gồm máy hấp, máy chụp phim, xe đẩy khăn, dàn lô sấy là tài sản bảo đảm của Công ty CP Xuất nhập khẩu dệt may Thúy Đạt. Giá khởi điểm là 5,84 tỉ đồng, không bao gồm thuế GTGT và các chi phí liên quan quá trình chuyển nhượng…
Một khoản nợ "khủng" khác được BIDV rao bán nhiều lần nhưng chưa thành công là của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn cùng 95 khách hàng cá nhân tại BIDV chi nhánh Phú Tài (Bình Định), với tổng dư nợ hơn 2.700 tỉ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ này gồm nhiều bất động sản ở TP HCM, trong đó có văn phòng của Thuận Thảo Nam Sài Gòn trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1 trên diện tích đất 275 m2; hai khu đất tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh rộng tổng cộng 22 ha. Ngoài ra còn có 5,2 triệu cổ phiếu công ty Thuận Thảo (mã chứng khoán GTT) thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh (chủ tịch HĐQT Thuận Thảo) cũng nằm trong nhóm tài sản bảo đảm.
Giá khởi điểm khoản nợ được đơn vị tổ chức đấu giá đưa ra lần này là 800 tỉ đồng, chưa bằng 30% tổng giá trị khoản nợ hơn 2.700 tỉ. Thời gian đăng ký tham gia đấu giá đến hết ngày 25-5.
Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang tích cực rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng Agribank (công ty con của Agribank) gần đây liên tục rao bán các khoản nợ của doanh nghiệp từ bất động sản (căn hộ chung cư, nhà phố, khách sạn…) đến máy móc, thiết bị sản suất của doanh nghiệp, trị giá từ vài chục tỉ đến vài trăm tỉ đồng. Agribank còn thông báo thu giữ nhiều tài sản thế chấp là bất động sản của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại…
Một ngân hàng khác là VPBank vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là 23 ôtô các loại như Hyundai, Chevrolet, Toyota Vios, Mitsubishi, Ford… có giá khởi điểm từ 170 triệu đồng đến 1,88 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, dưới tác động của dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động những tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ khiến nguy cơ nợ tiềm ẩn, nợ xấu ở các ngân hàng thương mại gia tăng. Xu hướng đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ đã được các ngân hàng thương mại xúc tiến thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.