Lợi nhuận của các ngân hàng tăng mạnh trong quý I do tăng trưởng tín dụng tích cực. Ảnh: Tường Lâm |
Theo BCTC quý I/2017 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), các mảng kinh doanh của ngân hàng này đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý I tăng từ 4.532 tỷ lên 5.275 tỷ đồng (tăng 16,4%). Trong đó, dịch vụ mang về 650 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 20,6%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 641 tỷ (tăng 13,8%), lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng mạnh 157% lên tới 104 tỷ đồng. Chỉ riêng mảng chứng khoán đầu tư lỗ gần 50 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ 37 triệu đồng.
Mặc dù chi phí hoạt động tăng mạnh từ 2.367 tỷ lên 3.149 tỷ đồng (tăng tới 33%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm 100 tỷ lên 1.400 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của Vietcombank vẫn đạt 2.736 tỷ đồng và sau thuế là 2.209 tỷ đồng, tăng 20% so với quý I/2016.
Kết thúc quý I/2017, Vietcombank ghi nhận 7.375 tỷ đồng nợ xấu, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Trong đó, nợ dưới chuẩn giảm 17% nhưng nợ nghi ngờ lại tăng mạnh 41,7%, nợ có khả năng mất vốn tăng 2,8%. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý I ở mức 1,47% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 1,5% hồi cuối năm trước. Tổng dư nợ cho vay khách hàng hơn 499.500 tỷ đồng, tăng gần 39.000 tỷ đồng, tương đương 8,41% so với cuối năm 2016. Tiền gửi của khách hàng hơn 609 nghìn tỷ đồng, tăng 3,19% so với đầu năm. Tổng tài sản tăng nhẹ lên mức hơn 794 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận gần 2 con số. Kết thúc quý I/2017, BIDV ghi nhận 2.277 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2016, lợi nhuận sau thuế đạt 1.848 tỷ đồng. Về cơ cấu thu nhập, thu nhập lãi thuần của BIDV trong quý I đạt 6.805 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ gần 502 tỷ đồng lên 574 tỷ đồng (tăng 14%), lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng thêm 36%. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh là 103 tỷ đồng, tăng 28%. Chỉ riêng mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ 67 tỷ, trong khi cùng kỳ 2016 chỉ lỗ 43 tỷ đồng.
Về chi phí, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro đều tăng mạnh. Trong đó, chi phí hoạt động tăng 23% lên 3.261 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 18% lên 2.348 tỷ đồng.
Quy mô nợ xấu của BIDV tính đến hết quý I ở mức 16.249 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,14% trên tổng dư nợ và tăng 12,6% so với tổng số nợ xấu thời điểm cuối năm trước. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn. Tổng tài sản của BIDV đạt 1,026 triệu tỷ đồng, tăng gần 2% so với thời điểm cuối năm trước.
Đối với MB, trong quý I, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt 2.406 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh khác đều có kết quả khởi sắc hơn: lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 232 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động ngoại hối là 30 tỷ đồng; mua bán chứng khoán lãi thuần 82 tỷ và hoạt động khác lãi 144 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của MB đạt hơn 2.901 tỷ đồng, tăng tới 42% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng 31% lên 1.210 tỷ đồng, cộng với chi phí dự phòng rủi ro tăng 142% lên 579 tỷ đồng đã kìm hãm đà tăng trưởng của ngân hàng này. Hết quý I, MB ghi nhận 1.111 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26% so với cùng kỳ 2016, lợi nhuận sau thuế đạt 889 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia ngân hàng, lợi nhuận của các ngân hàng tăng mạnh trong quý I do tăng trưởng tín dụng tích cực. Cụ thể, đến ngày 20/4, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,86% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ 2016 tăng 2,99%). Bên cạnh đó, các ngân hàng TMCP đã tích cực đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới, mở rộng địa bàn kinh doanh nên kết quả kinh doanh đã có cải thiện rõ nét.