Nét vẽ ngày xuân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Như nối dài một thú chơi tao nhã của các bậc tiền nhân, nhiều họa sĩ đương đại đang tiếp tục vẽ tranh con giáp mỗi độ xuân về. Ban đầu chỉ là thú chơi, một cách khai bút đầu xuân, các họa sĩ đã tạo nên dòng tranh con giáp đương đại khác biệt, được ưa chuộng trong dịp Tết và kích thích thị trường mỹ thuật phát triển.
Họa sĩ Lê Trí Dũng vẽ tranh con giáp
Họa sĩ Lê Trí Dũng vẽ tranh con giáp

Một thú chơi tao nhã

Đã thành cái lệ, dù bận đến đâu, mỗi cuối năm họa sĩ Đỗ Phấn lại dành thời gian vẽ tranh con giáp. Gần nửa thế kỷ nay, ông đã “giữ lệ” này, như muốn nối dài một thú chơi tao nhã của tiền nhân. Và dù ở thời điểm này, vật phẩm vẽ đã phong phú, thậm chí dư thừa hơn thời “các cụ”, họa sĩ Đỗ Phấn vẫn chỉ vẽ tranh con giáp bằng bột màu trên bìa, kích thước vừa phải. Đặc biệt hơn, dù tranh con giáp mấy năm nay có xu hướng trở thành một “vụ làm ăn” cuối năm, Đỗ Phấn vẫn bền bỉ vẽ tặng bạn bè, như để mang một niềm vui, một lời chúc năm mới tới những người quen thân…

Rồng cắt giấy của họa sĩ Công Quốc Hà

Rồng cắt giấy của họa sĩ Công Quốc Hà

Vậy cái lệ vẽ tranh con giáp chơi xuân có tự bao giờ? Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, tranh con giáp được họa sĩ Việt theo đuổi từ sau năm 1954, trên các bưu thiếp chúc Tết hoặc bìa báo xuân, tranh báo xuân. Cùng với danh họa Bùi Xuân Phái, những họa sĩ như Nguyễn Bích, Sĩ Ngọc… cũng vẽ nhiều tranh con giáp. Nhưng người theo đuổi đề tài vẽ con giáp quy mô nhất lại là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ông có một mảng chuyên sáng tác về 12 con giáp, thậm chí ông còn chuyên chú cho dòng tranh này tới độ vẽ màu sắc của con giáp theo ngũ hành.

Tương truyền, họa sĩ Bùi Xuân Phái hay phóng bút vẽ trên bất cứ chất liệu gì, từ tờ báo cũ đến vỏ bao thuốc lá, rồi tặng bạn bè như một lời chúc xuân ý nghĩa. Cũng có khi ông đổi tranh cho ông chủ quán cà phê Lâm để lấy cà phê uống đợi xuân sang. Còn họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thì vẽ một cách bài bản, với nhiều nghiên cứu công phu. Ông thường vẽ đi vẽ lại tranh con giáp với những chất liệu và kích thước khác nhau để chọn ra bức tranh ưng ý, thậm chí hướng vẽ ưng ý nhất.

Rồng của họa sĩ Lê Thiết Cương

Rồng của họa sĩ Lê Thiết Cương

Họa sĩ Đỗ Phấn kể: “Mỗi dịp Tết, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đều tặng bố tôi một bức tranh con giáp. Khỏi phải nói ông cụ trân trọng, quý hóa bức tranh ấy đến mức nào. Nhà nghèo không có tiền để đóng một chiếc khung kính lồng tranh vào, ông cụ phải dán nó sau tấm kính cửa sổ ngay cạnh chỗ ngồi. Cánh cửa ấy suốt ngày mở để không ai có thể chạm vào bức tranh”.

Đội ngũ đông đảo

Quan sát đời sống mỹ thuật những năm gần đây, có thể thấy mỗi dịp xuân về, rất nhiều họa sĩ vẽ tranh con giáp chơi Tết. Trong số các họa sĩ đương đại vẽ tranh con giáp, cùng với Đỗ Phấn, còn có Phạm Viết Hồng Lam, Lê Trí Dũng, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Thiết Cương, Tào Linh, Phạm An Hải, Công Quốc Hà… cùng nhiều họa sĩ trẻ đang sung sức.

Rồng trong tranh của họa sĩ Đỗ Phấn

Rồng trong tranh của họa sĩ Đỗ Phấn

Chất liệu được các họa sĩ đương đại sử dụng cũng rất đa dạng. Nếu Phạm Viết Hồng Lam thủy chung với bột màu trên giấy dó, giấy điệp, thì Lê Thiết Cương vẽ mực nho trên giấy dó, hoặc cầu kỳ hơn là bột màu trên vải màn bồi giấy dó. Trong khi đó, Phạm An Hải và Tào Linh lại “chơi sang” với chất liệu sơn dầu trên toan. Công Quốc Hà có “đặc sản” tranh con giáp cắt giấy. Riêng Lê Trí Dũng thì đa dạng hơn với tranh con giáp trên bìa, trên giấy dó, trên mâm gỗ và trên toan bằng nhiều loại màu khác nhau… Lê Trí Dũng cũng là người bền bỉ theo đuổi mảng tranh con giáp với nhiều nghiền ngẫm và tìm kiếm ra những cách biểu đạt riêng. Tranh con giáp của Lê Trí Dũng không chỉ có màu sắc tươi sáng mà ông thường vẽ 11 con giáp khác vây quanh 1 con giáp “chủ”. Chẳng hạn, Tết Nguyên đán 2024, ông vẽ con Rồng ở giữa, còn xung quanh là các con giáp khác.

Tranh con giáp của họa sĩ Lê Trí Dũng có nhiều nét riêng

Tranh con giáp của họa sĩ Lê Trí Dũng có nhiều nét riêng

Mấy năm gần đây, thú chơi tranh con giáp được nối lại và có sức cuốn hút nhất định. Thành thử, có cảm giác mỗi dịp Tết đến xuân về, ai cầm cọ cũng đều vẽ hoặc thử vẽ tranh con giáp như một cách thực hành nghệ thuật. Đặc biệt, năm con Rồng - con vật duy nhất trong 12 con giáp không thể vẽ theo lối trực họa, thì mỗi họa sĩ lại có cách tưởng tượng và vẽ khác nhau. Vì thế, có cảm giác, con Rồng Giáp Thìn 2024 được nhiều họa sĩ “múa bút”, tạo ra một mùa tranh Tết giàu sáng tạo. Họa sĩ Tào Linh tương tự như năm trước, ông vẽ 40 - 50 bức tranh rồng, còn họa sĩ Phạm An Hải cũng vẽ tới 20 bức rồng…

Rồng trong tranh của họa sĩ Tào Linh

Rồng trong tranh của họa sĩ Tào Linh

Theo họa sĩ Đỗ Phấn, đích đến của bức tranh luôn là tạo ra được xúc cảm thẩm mỹ cho người xem. Tức là người xem phải thấy đẹp. “Cái đẹp ngày thường lại không giống như ngày Tết. Bảng hòa sắc trầm tối không thể phù hợp với tâm trạng của người ăn Tết. Đường nét vóc dáng con vật bạo liệt hung tợn cũng là thứ khó treo trong nhà vào dịp Tết. Có khi vẽ hàng chục bức mới được một bức tương đối ưng ý. Thế nhưng người vẽ có lương tâm lại không thể nhân bản những bức ưng ý của mình. Vậy là so đo tính toán cả buổi có khi chẳng vẽ nổi bức nào”, họa sĩ Đỗ Phấn chia sẻ.

“Không chỉ cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc mà các họa sĩ khi vẽ tranh con giáp còn mong muốn chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa trong xã hội. Đồng thời, chất liệu mà các họa sĩ sử dụng để thể hiện cũng phong phú, đa dạng hơn, đáp ứng được công chúng đương đại”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ.

Chuyên đề