Những nỗ lực được ghi nhận
Theo đánh giá mới nhất, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo (ĐMST), tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào ĐMST gồm 5 trụ cột: thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp).
Đầu ra ĐMST với 2 trụ cột là sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36.
Trong Báo cáo, Việt Nam được WIPO ghi nhận là 1 trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).
Như vậy, trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp, thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về nguồn nhân lực và nghiên cứu.
Tiến bộ về xếp hạng chỉ số GII của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2024. Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ |
Cũng theo WIPO, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại).
Báo cáo GII ghi nhận, năm 2024, trình độ phát triển của thị trường của Việt Nam tăng 6 bậc so với năm 2023, xếp hạng 43. Trong đó, số thương vụ các nhà đầu tư mạo hiểm đã thực hiện là chỉ số cải thiện tích cực nhất (xếp hạng thứ 50), tăng 10 bậc so với năm 2023; số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm tiếp tục tăng (xếp hạng 44), tăng 3 bậc so với năm 2023 (xếp hạng 47). Tương tự, đầu ra sản phẩm tri thức và công nghệ cũng chuyển biến tích cực, xếp hạng 44, tăng 4 bậc so với năm 2023…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là kết quả rất tích cực, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Chính phủ, bộ ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc thúc đẩy “động lực” ĐSMT để phát triển kinh tế.
Theo bà Thảo, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đến việc phát triển khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST, nhiều chỉ số thành phần trong GII đã có sự cải thiện vượt bậc nhờ thực hiện các giải pháp “trúng và đúng”, góp phần nâng cao thứ hạng trong GII. “Các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ điện tử tăng tốc…”, bà Thảo nhìn nhận.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hòa, CEO Công ty DTH Việt Nam phân tích, bất chấp những khó khăn, thách thức do khó khăn của dịch bệnh Covid-19 cũng như những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu…, Chính phủ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động ĐSMT. Nhờ đó, kinh tế vẫn có sự tăng trưởng tốt, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ đã lựa chọn Việt Nam để đầu tư. Vì vậy, GII năm 2024 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy ĐMST.
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ |
Tiếp tục cải thiện thứ hạng đổi mới sáng tạo
Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, dư địa để cải thiện chỉ số ĐMST của Việt Nam còn rất lớn. Để tận dụng dư địa này, nhóm nhiệm vụ giải pháp liên quan đến thể chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động ĐMST cần được tiếp tục đẩy mạnh, qua đó, tạo không gian cho phát triển KHCN, khởi nghiệp sáng tạo.
Theo bà Thảo, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phát huy vai trò quan trọng trong việc kết nối hợp tác giữa các tập đoàn công nghệ, viện nghiên cứu và các trường đại học. NIC đã tích cực trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn như NVIDIA, AMD, Cadence, Synopsys, Siemens EDA, Tektronik, KeySight... để tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Tới đây, NIC cần tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ về mặt cơ chế thử nghiệm (sandbox) đối với các hoạt động ĐMST, nhằm giúp DN có dư địa thuận lợi hơn trong quá trình phát triển. Nếu quy trình thủ tục đầu tư không có cơ chế vượt trội thì khó thu hút được “đại bàng” trong các lĩnh vực mới”, bà Thảo nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, trong chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để duy trì và tiếp tục cải thiện thứ hạng GII một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng các yếu tố đầu vào của ĐMST, trong đó lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số hiện còn chưa tốt. Đặc biệt, ông Đạt cho rằng, cần có các đột phá trong cơ chế, chính sách, tạo động lực cho phát triển KHCN, ĐMST, để KHCN và ĐMST thực sự là động lực mới của mô hình tăng trưởng kinh tế.
Với quyết tâm trở thành “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là bước đi mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển một ngành công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.