Việt Nam đã có quy định về dán nhãn lên sản phẩm, nhưng chưa có quy định thế nào là sản phẩm “Made in Vietnam”. Ảnh: Tường Lâm |
Thiếu quy định về sản phẩm “Made in Vietnam”
Tại Tọa đàm “Thế nào là Made in Vietnam?”, bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (C/O) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể thế nào là “Made in Vietnam”. Việt Nam đã có quy định về dán nhãn lên sản phẩm, nhưng chỉ đề cập đến sản phẩm và dán nhãn như thế nào, chưa có quy định thế nào là sản phẩm “Made in Vietnam”.
Về kinh nghiệm của các nước trong việc ghi xuất xứ hàng hóa, bà Hương cho biết, mỗi quốc gia có quy định từng mặt hàng cụ thể bắt buộc phải dán nhãn lên hàng hóa. Đơn cử, tại Mỹ, tất cả hàng hóa có xuất xứ ngoài Mỹ phải dán nhãn ghi rõ xuất xứ, chỉ áp dụng ngoại lệ đối với hàng hóa không có khả năng được đánh dấu như trái cây, nhưng bao bì đóng gói vẫn phải ghi nguồn gốc nước nhập khẩu.
Về việc sản phẩm ghi xuất xứ Made in Vietnam, bà Hương cho biết, chúng ta có quy tắc về xuất xứ đối với sản phẩm. Theo quy định, khi xác định xuất xứ cho một sản phẩm, chúng ta cần nhìn vào sản phẩm đó để xem có đáp ứng về quy tắc xuất xứ thuần túy (quy tắc xuất xứ toàn bộ) hay không thuần túy. Sản phẩm có xuất xứ thuần túy tức là không sử dụng thành phẩm, nguyên phụ liệu nào nhập khẩu trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Còn sản phẩm không thuần túy Việt Nam tức là có sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất ra sản phẩm. “Trong trường hợp này, chúng ta có quy định về quy tắc xuất xứ đối với thành phần nguyên phụ liệu nhập khẩu. Sản phẩm muốn đáp ứng quy định về xuất xứ phải qua quá trình chuyển đổi cơ bản (mã HS). Nếu mã HS của nguyên liệu đầu vào được sử dụng trong quá trình sản xuất khác với mã HS của sản phẩm cuối cùng thì đáp ứng về xuất xứ. Tuy nhiên, muốn đáp ứng quy định chuyển đổi, doanh nghiệp (DN) cần vượt qua công đoạn gia công đơn giản”, bà Hương cho biết.
Đại diện VCCI cho rằng: “Khái niệm “made in” gắn kết chặt chẽ với quy định về quy tắc xuất xứ cho sản phẩm và từng giai đoạn cụ thể của sản phẩm. Quy định xuất xứ tại các nước cũng có nhiều điểm riêng biệt nên không tránh khỏi những xung đột. Việc áp dụng các quy tắc xuất xứ đôi khi cũng được sử dụng để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước”.
Dẫn chứng cho trường hợp này là sản phẩm hộp vải Drona do DN Việt Nam sản xuất đã được cấp C/O cho xuất khẩu sang Mỹ dán nhãn “Made in China”. Đó là vì “căn cứ theo quy định của Mỹ, sản phẩm có nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó, vải không được dệt tại Việt Nam, nên DN tự giác gắn nhãn “Made in China”. Đây là yêu cầu của khách hàng nhập khẩu”, bà Hương lý giải.
Quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm
Cũng liên quan đến vấn đề ghi xuất xứ sản phẩm, luật sư Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie nhìn nhận, ở góc độ người tiêu dùng, nhận thức về xuất xứ hoàn toàn chính là chất lượng sản phẩm. Theo đó, quay trở lại câu chuyện Công ty CP Điện tử Asanzo bị nghi ngờ gian dối nhập hàng Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam để bán tại thị trường Việt Nam, ông Trung đặt vấn đề: “Giả dụ cũng trong trường hợp này, linh kiện nhập khẩu không phải từ Trung Quốc mà từ Nhật Bản, liệu DN nhập khẩu về dán “Made in Japan” có được coi là lừa dối người tiêu dùng hay không?”.
Vị luật sư này cho rằng, trong quy định về dán nhãn sản phẩm của Việt Nam hiện nay có trao quyền ghi chứng nhận xuất xứ cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Việc tự xác định xuất xứ phải tuân thủ quy định của pháp luật cũng như các hiệp định mà Việt Nam tham gia. Do đó, chắc chắn trong nhiều tình huống sẽ có sản phẩm khó xác định được xuất xứ. “Do vậy, khi đánh giá về vấn đề nhãn mác, cần có cái nhìn khách quan”, ông Trung bày tỏ và cho biết thêm: “Chúng tôi có các khách hàng lớn là các tập đoàn uy tín, họ tuân thủ chặt chẽ vấn đề xuất xứ, nhưng chính bản thân họ cũng mắc phải sai lầm khi xác định xuất xứ. Điều này chứng tỏ việc xác định xuất xứ không phải là đơn giản”.
Đặt vấn đề hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam như việc xé nhãn mác ngoại để gắn nhãn mác Việt Nam, quan điểm của các chuyên gia đều nhất quán, đây là hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng, không được chấp nhận. Còn câu chuyện gia công lắp ráp tại DN như thế nào phải được phân tích mổ xẻ xem toàn bộ quy trình có vượt qua gia công đơn giản hay không, nếu chỉ là gá lắp thì không thể chấp nhận.