Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - một trong số những dự án điển hình Petroncons tham gia thực hiện (ảnh: DN) |
Theo Petrocons, năm 2024 là năm khó khăn đối với Tổng công ty khi đã hoàn thành xong dự án trọng điểm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình nhưng chưa có các dự án khác gối đầu. Để giải quyết khó khăn này, Petrocons phải tăng cường, tích cực trong công tác tiếp thị đấu thầu để tìm kiếm nguồn việc.
Một số giải pháp được Petrocons nhắc tới như: nâng cao năng lực và chất lượng bộ máy thực hiện công tác đấu thầu với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống nguồn dữ liệu, trong đó bao gồm dữ liệu và hồ sơ năng lực kinh nghiệm thực hiện các công trình tương tự, hồ sơ năng lực nhân sự, hồ sơ máy móc thiết bị, dữ liệu về nhà cung cấp, định mức, đơn giá nội bộ của Tổng công ty; bám sát kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Tập đoàn; đẩy mạnh thực hiện công tác tìm kiếm thông tin, tiếp cận thông tin các gói thầu trong ngành dầu khí nhằm tham gia các gói thầu phù hợp.
Bên cạnh đó, Tổng công ty lên kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp xây dựng có thế mạnh trong nước, đồng thời hợp tác với các đối tác nước ngoài, tạo sự cộng hưởng và tăng năng lực thực hiện dự án.
Petrocons có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Năm 2023, Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu. Về chỉ tiêu lợi nhuận, trong 7 đơn vị chi phối hạch toán hợp nhất của Tổng công ty, chỉ có 2 đơn vị hoạt động có lãi, tuy nhiên lợi nhuận ghi nhận không cao (Công ty CP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí lãi 1,01 tỷ đồng và Công ty CP Xây lắp Dầu khí Bình Sơn - PVC Bình Sơn lãi 0,52 tỷ đồng). Các đơn vị còn lại thua lỗ rất lớn với khoản lỗ 226 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí lỗ 159 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Thái Bình lỗ 34,4 tỷ đồng… Nguyên nhân chính là nguồn công việc hạn chế, doanh thu không đủ bù đắp các khoản chi phí thường xuyên, chi phí tài chính cũng như các khoản lãi vay, lãi phạt…