Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,8 - 6,3%, nếu không có thêm những yếu tố tác động mới đáng kể xuất hiện. Ảnh: Lê Tiên |
Theo ông, đâu là những điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế năm 2021?
Trước hết là lĩnh vực ngoại thương, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%, và xuất siêu 4 tỷ USD. Đây là một điểm sáng trong điều kiện đại dịch tác động mạnh, lâu hơn nhiều so với năm trước, và đạt được trong bối cảnh đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là dịch vụ vận tải/logistics nhiều nơi trên thế giới bị tắc nghẽn với giá tăng vọt. Tuy nhiên, đóng góp lớn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), là yếu tố quyết định giúp tạo và duy trì tăng trưởng xuất nhập khẩu và thặng dư thương mại cho cả nước.
TS. Lê Xuân Sang |
Một số ngành tài chính (ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán) cũng là điểm sáng xét về mức tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng các ngành khác cũng như thu ngân sách nhà nước (NSNN). Ngành ngân hàng tăng mạnh tín dụng và lợi nhuận nhờ việc ứng dụng công nghệ 4.0, sự năng động, đa dạng hóa và chuyển đổi phương thức kinh doanh (tất nhiên nhờ việc chưa phải trích lập dự phòng nợ xấu),… trong điều kiện nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước phải bơm tiền, hạ lãi suất và thu hẹp lĩnh vực cho vay nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp và kích thích kinh tế.
Ngành chứng khoán tiếp tục lập những kỷ lục mới trong lịch sử khi mức vốn hóa thị trường năm 2021 tăng 45,5% so với cuối năm trước. Tuy huy động vốn thông qua IPO còn hạn chế, song nguồn vốn huy động thêm giá rẻ, dài hạn cũng tăng rất mạnh. Lưu ý là sự bùng nổ chứng khoán và hiệu quả cao của rất nhiều ngân hàng là nhân tố tích cực góp phần giúp thu NSNN năm 2021 đã vượt 9,5% so với dự toán.
Những yếu tố nào làm nên điểm sáng đó, thưa ông?
Nhờ có vị trí địa kinh tế - địa chính trị thuận lợi của Việt Nam mà sự đứt gãy, chậm trễ trong vận chuyển được giảm nhẹ, nhất là vị trí tiếp giáp với Trung Quốc (thị trường nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu thứ 2). Yếu tố thời thế/thiên thời cũng quan trọng, khi 2 năm Covid-19 cũng là thời gian thực thi 2 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA, giúp Việt Nam khai thác nhanh những lợi thế thương mại của mình.
Sau tất cả, sự quyết đoán của Chính phủ từ bỏ chiến lược phòng chống bệnh dịch theo kiểu tận diệt nguồn lây Covid (Zero Covid) với việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (NQ128) cũng giúp nền kinh tế phục hồi nhanh từ giữa tháng 10/2021.
Theo ông năm 2022 nền kinh tế Việt Nam có thể đối diện với những thách thức và cơ hội lớn nào?
Thách thức trực diện nhất là kiểm soát hữu hiệu sự bùng phát của đại dịch do các biến thể Delta và Omicron gây ra, trong điều kiện thực hiện NQ128 và dư địa, sức kháng cự chống dịch về nhân lực ngày càng bị thu hẹp.
Thách thức khác đó là lạm phát tăng cao hơn do tác động của khủng hoảng năng lượng, tăng giá nguyên vật liệu, tắc nghẽn logistics, thực thi chính sách kích cầu (nhất là tăng đầu tư công), hiệu ứng từ tăng giá bất động sản và chứng khoán, và cả kỳ vọng lạm phát.
Thách thức nữa đó là tăng nợ xấu, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng thương mại khi áp lực trích dự phòng rủi ro tăng và nhiều doanh nghiệp phá sản, thua lỗ.
Việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng chống Covid-19 là điều kiện tiên quyết để giúp giảm thiểu các thách thức, nguy cơ nói trên, nhất là thách thức thứ nhất và thứ ba. Thách thức thứ hai có thể giảm thiểu nhờ sử dụng các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách tự do hóa giá cả trong nước và/hoặc kết hợp cả ba công cụ có hiệu quả cao.
Các cơ hội, thuận lợi trong năm 2022 cũng sẽ mở ra. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng mạnh giúp giảm tác động tiêu cực của Covid-19, tăng khả năng chủ động và dư địa quản lý vĩ mô kinh tế cao hơn. Cơ hội mới khác đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực giúp thúc đẩy ngoại thương, đồng thời giúp tăng hiệu quả đối với các cam kết thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA).
Ông dự báo những ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ có sự phát triển tốt, đóng góp nhiều cho tăng trưởng trong năm 2022?
Điều này phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống đại dịch Covid-19, tiếp đến là chi tiết gói kích thích phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua, cũng như việc thiết kế chi tiết và thực thi chính sách phục hồi kinh tế và các cải cách khác. Tuy nhiên, như đã nêu, ngoại thương có nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhất là những ngành Việt Nam có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh khi thực thi 3 FTA nêu trên. Các ngành liên quan tới đầu tư công, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng cũng có cơ hội tăng trưởng lớn hơn. Ngành du lịch quốc tế, nhà hàng, khách sạn và lĩnh vực tiêu dùng cá nhân cũng có cơ hội lớn khi toàn cầu mở rộng tiêm chủng, nới lỏng đi lại và giải tỏa nhu cầu tiêu dùng cá nhân vốn bị dồn nén. Giải ngân FDI cũng sẽ tăng mạnh hơn một khi các FTA có hiệu lực và mở cửa đi lại.
Ông dự báo như thế nào về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022? Song hành với phấn đấu đạt tăng trưởng cao nhất trong năm 2022, những vấn đề nào cần lưu ý để đảm bảo phát triển bền vững, thưa ông?
Như tôi đã nói, dự báo tăng trưởng GDP trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ không dễ dàng. Tuy nhiên, xét bản chất những khó khăn kinh tế hiện nay thì việc kiểm soát được đại dịch sẽ giải phóng sức sản xuất kìm nén lâu nay, giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn. Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,8 - 6,3%, nếu không có thêm những yếu tố tác động mới đáng kể xuất hiện.
Để giúp phục hồi bền vững trong trung và dài hạn, cần có chiến lược phòng chống đại dịch dài hạn thông qua đầu tư mạnh hơn, bài bản hơn cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất vaccine cũng như thuốc điều trị trong nước. Tiếp theo là xử lý các vướng mắc trong đầu tư công, nhất là vướng mắc về thể chế đầu tư và liên quan tới các dự án thắng thầu khi giá nguyên vật liệu tăng quá cao. Nghiên cứu bài bản, có hệ thống cách thức kích cầu tiêu dùng cá nhân hữu hiệu, nhất là đánh giá mức tiết kiệm trong nước hiện nay, tính đến tác động của đại dịch đối với người lao động thu nhập thấp, thay đổi thu nhập của tầng lớp trung lưu dưới tác động của hiệu ứng tăng của cải từ chứng khoán và bất động sản cũng như các hiệu ứng bật lò xo về tiêu dùng bị kìm nén trong từng nhóm ngành. Xây dựng các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, các cơ chế phối kết hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ, tự do hóa giá cả để kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp.
Xin cảm ơn ông!