Năm 2021 - Quyết tâm tăng tốc vì khát vọng phát triển

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030. Đây cũng là “thời gian vàng” để kinh tế Việt Nam tận dụng những cơ hội mới. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 khoảng 6% chính là động lực để quyết tâm phấn đấu, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế bứt phá những năm sau.

Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển để vượt lên, phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển để vượt lên, phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Lê Tiên

Mục tiêu cao nhưng cần thiết và có cơ sở

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% như báo cáo của Chính phủ, dù còn một số ý kiến băn khoăn rằng mục tiêu này là quá cao, khó đạt được trong bối cảnh khó khăn thách thức rất lớn và khó ước đoán.

Chính phủ dường như đã tự đặt ra áp lực cho chính mình, đặt một quyết tâm rất cao phục hồi nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng GDP 6%. Nhưng có lý do để đặt ra một mục tiêu cao và đầy khó khăn như vậy. Có lẽ khởi nguồn chính từ khát vọng phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng mục tiêu này rất khó, nhưng có thể đạt được nếu duy trì được tăng trưởng cao liên tục.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2021, dự báo nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ môi trường quốc tế, tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cũng có không ít cơ hội và tiềm năng mà nước ta có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ như tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có EVFTA, cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới sáng tạo, từ nguồn nhân lực dồi dào, năng động. “Nếu tận dụng triệt để các cơ hội này và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 là có cơ sở”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định và nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng phải song hành mục tiêu kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Mục tiêu tăng trưởng 6% cũng phù hợp với nhiều dự báo tăng trưởng của các tổ chức quốc tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP năm 2021 của Việt Nam tăng 6,7%. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,8% vào năm 2021; dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 6,3%. Nhiều dự báo còn cao hơn rất nhiều, như Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC mới đây dự báo Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định, với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức 8,1%.

Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp

Các giải pháp chủ yếu mà Chính phủ trình để đạt các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 2021 cũng đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực trọng yếu; có giải pháp, chính sách thích hợp để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách tạo đột phá trong thu hút nguồn lực ngoài khu vực nhà nước, triển khai có hiệu quả đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Giải pháp đặc biệt quan trọng khác là tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Luật Quy hoạch, bảo đảm kịp thời đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển của thời kỳ mới. Chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng…

Chuyên đề