Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc gặp vào tháng 10/2017 - Ảnh: Getty/CNBC. |
Mỹ và Canada đã đạt một thỏa thuận về cải tổ Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA), hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin từ Canada cho biết ngày 30/9.
Với thỏa thuận này, NAFTA sẽ tiếp tục là một thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Mexico và Canada như được ký kết lần đầu vào đầu thập niên 1990. Trước khi đạt thỏa thuận với Canada, Mỹ đã đạt thỏa thuận với Mexico cách đây ít lâu.
Theo nguồn tin, thỏa thuận đạt được ngay trước thời hạn chót vào nửa đêm ngày Chủ nhật sau khi Canada nhất trí mở rộng hơn cánh cửa thị trường các sản phẩm sữa của nước này cho các công ty Mỹ. Đổi lại, Canada sẽ tránh được việc Mỹ áp thuế bổ sung lên xe hơi xuất khẩu.
Thông tin về thỏa thuận đã đưa đồng Đôla Canada tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng so với đồng USD. Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á cũng phản ứng tích cực, trong đó chỉ số Nikkei của chứng khoán Nhật Bản lập đỉnh mới của 27 năm.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ra điều kiện cho Canada phải đạt thỏa thuận trước nửa đêm ngày Chủ nhật nếu không sẽ bị loại khỏa thỏa thuận.
Sau khi lên cầm quyền, ông Trump cáo buộc NAFTA gây mất việc làm cho nền sản xuất Mỹ và muốn có những thay đổi lớn đối với thỏa thuận này. NAFTA là thỏa thuận hậu thuẫn kim ngạch thương mại hàng năm 1,2 nghìn tỷ USD giữa ba nước, nên thị trường lo ngại rằng sự sụp đổ của thỏa thuận sẽ gây ra gián đoạn lớn đối với tăng trưởng kinh tế.
Những vấn đề gai góc nhất cản trở Mỹ và Canada đạt thỏa thuận bao gồm quyền tiếp cận thị trường sữa Canada và thuế quan ôtô của Mỹ.
Theo nguồn tin, Canada đã nhất trí áp dụng trần xuất khẩu ôtô sang Mỹ trong trường hợp chính quyền ông Trump áp thuế quan lên xe hơi nhập khẩu từ mọi quốc gia. Tuy nhiên, ôtô của Canada xuất khẩu sang Mỹ khi đó sẽ không bị áp thuế bổ sung.
Thị trường sữa với mức độ bảo hộ cao của Canada sẽ mở rộng cánh cửa hơn cho các công ty xuất khẩu sữa của Mỹ, tương tự như những gì mà Canada đã ký kết trong thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nếu Mỹ và Canada không đạt thỏa thuận, thì NAFTA sẽ chỉ còn là một thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Mexico. Các tổ chức doanh nghiệp ở Mỹ phản đối việc NAFTA trở thành một thỏa thuận song phương vì nền kinh tế ba nước đã có mối liên hệ ngày càng mật thiết kể từ khi thỏa thuận ban đầu có hiệu lực vào năm 1994.
Đàm phán cải tổ NAFTA bắt đầu từ tháng 8/2017, với hàng loạt thời hạn chót đã được đặt ra mà các bên không đạt thỏa thuận.