Một cuộc biểu tình kêu gọi tăng thuế đối với giới nhà giàu ở Mỹ - Ảnh: Getty. |
Theo hãng tin Bloomberg, được tài trợ bởi Chủ tịch Uỷ ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden, kế hoạch trên là kết quả của nhiều tuần đàm phán giữa các nghị sỹ Dân chủ về các phương thức đánh thuế tầng lớp giàu nhất ở Mỹ, sao cho kế hoạch nhận được sự ủng hộ của gần như mọi thành viên trong Đảng Dân chủ. Ông Wyden tin rằng các nghị sỹ và cử tri Dân chủ sẽ dành sự ủng hộ rộng rãi cho một kế hoạch nhằm dịch chuyển gánh nặng thuế má về phía các tỷ phú.
TỶ PHÚ MỸ SẼ PHẢI ĐÓNG THUẾ TÀI SẢN HÀNG NĂM
Dự luật thuế này sẽ áp dụng đối với người đóng thuế có tài sản ròng đạt từ 1 tỷ USD trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất, hoặc có thu nhập từ 100 triệu USD trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Kế hoạch ước tính rằng ngưỡng áp thuế như vậy đồng nghĩa với với khoảng 700 người sẽ rơi vào diện phải đóng thuế này.
Văn phòng của ông Wyden nói rằng nếu được thông qua, kế hoạch sẽ giúp mang lại hàng trăm tỷ USD cho quốc khố Mỹ. Dù vậy, việc triển khai được cho là sẽ gặp phải nhiều trở ngại, chẳng hạn đơn kiện của các đối tượng phải đóng thuế theo kế hoạch, hay những lỗ hổng trong luật thuế của Mỹ mà các đối tượng đóng thuế sẽ tìm cách lợi dụng.
Ý tưởng về đánh thuế giới tỷ phú đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong Thượng viện Mỹ thời gian gần đây, như một cách để có thêm ngân sách cho các chương trình xã hội với tổng mức chi lên tới gần 2 nghìn tỷ USD mà ông Biden khởi xướng. Động lực cho ý tưởng này gia tăng sau một tuyên bố của Thượng nghị sỹ Kyrsten Sinema đến từ bang Arizona.
“Chi tiêu mới là vấn đề thực sự. Cho dù giới siêu giàu có bị đánh thuế tới 100%, thì Chính phủ vẫn sẽ phải thu thuế từ dân chúng nói chung để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách. Đây là một phép toán căn bản”.
Tỷ phú Elon Musk, CEO Tesla
“Có hai luật thuế ở nước Mỹ. Luật thuế đầu tiên là bắt buộc đối với người lao động, những người phải đóng thuế ngay và luôn mỗi lần nhận lương. Luật thuế thứ hai là tự nguyện dành cho các tỷ phú, những người được hoãn việc nộp thuế trong nhiều năm, nếu không muốn nói là hoãn vô thời hạn”, bà Sinema viết. “Hai luật thuế này cho phép các tỷ phú sử dụng thu nhập gần như không bị đánh thuế của họ để làm giàu thêm nữa”.
Đề xuất được đưa ra lần này là những người Mỹ giàu nhất sẽ phải đóng thuế hàng năm cho phần giá trị tăng thêm trong những tài sản giao dịch đại chúng mà họ nắm giữ, như cổ phiếu và trái phiếu. Những tài sản khác như bất động sản hoặc công ty chưa niêm yết đại chúng, là những thứ mà Thuế vụ Mỹ (IRS) khó định giá hơn, sẽ không bị đánh thuế cho tới khi được bán nhưng sẽ bị áp phí hàng năm tương tự như áp lãi suất.
Hầu hết phần giá trị tài sản tăng thêm mỗi năm của các tỷ phú sẽ bị áp thuế suất cao nhất của thuế tài sản gia tăng (capital gains tax), hiện ở mức 23,8%. Đối với, thững tài khoản thanh khoản thấp như bất động sản hay công ty chưa niêm yết đại chúng bị áp phí tương tự như lãi suất, tổng thuế suất sẽ không vượt quá 49% - theo kế hoạch đưa ra.
Mấy năm qua, ông Wyden đã nghiên cách để tìm cách thu thuế hàng năm đối với khối tài sản khổng lồ của tầng lớp siêu giàu. Kế hoạch này sẽ thay đổi nguyên tắc đánh thuế bấy lâu ở Mỹ cho phép người nộp thuế được hoãn đóng thuế tài sản gia tăng cho tới khi tài sản đó được bán. Đối với những tài khoản thanh khoản cao như cổ phiếu và trái phiếu, người đóng thuế ở Mỹ hiện nay có thể phân bổ lỗ, lãi trong thời kỳ 5 năm, nên có thể dùng thua lỗ của năm này để bù cho lợi nhuận của năm khác, giúp giảm số thuế phải đóng.
PHẢN ỨNG CỦA TỶ PHÚ GIÀU NHẤT THẾ GIỚI
Thay đổi như dự luật trên đề ra nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của các nghị sỹ Dân chủ muốn giải quyết tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng ở Mỹ. Tuy nhiên, thế cân bằng 50-50 trong Thượng viện đồng nghĩa với các nghị sỹ Dân chủ phải đoàn kết tuyệt đối, cộng thêm lá phiếu từ Phó tổng thống Kamala Harris, mới có thể thông qua được kế hoạch đánh thuế nói trên.
Các thực thể thông qua (pass-through entities), nơi một tỷ phú nắm cổ phần từ 5% trở lên hoặc thực thể đó có giá trị 50 triệu USD, sẽ phải báo cáo giá trị tài sản gia tăng để người đóng thuế không thể giấu tài sản trong các thực thể khác. Ngoài ra, kế hoạch cũng có quy định đánh thuế đối với tài sản mà các tỷ phú chuyển vào các quỹ uỷ thác.
Bên cạnh đó, các tỷ phú muốn từ bỏ địa vị công dân Mỹ sẽ phải đóng thuế đối với toàn bộ tài sản của mình trước khi bỏ quốc tịch.
Một số nhà quan sát cho rằng kế hoạch đánh thuế trên có thể quá phức tạp và dễ vấp phải trở ngại từ phía toà án.
Một câu hỏi nữa là IRS làm thế nào để tìm được các tỷ phú là đối tượng của việc đánh thuế như trên, bởi hiện tại không có quy định nào bắt buộc công dân Mỹ phải báo cáo tổng giá trị tài sản ròng với IRS.
Tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới hiện nay và là một công dân Mỹ, đã có phản ứng với kế hoạch trên. Trong một dòng trạng thái Twitter ngày 27/10, ông Musk nói rằng việc đánh thuế các tỷ phú sẽ chỉ làm giảm không đáng kể khối nợ quốc gia khổng lồ của Mỹ, cho rằng trọng tâm nên là hạn chế chi tiêu chính phủ.
“Chi tiêu mới là vấn đề thực sự. Cho dù giới siêu giàu có bị đánh thuế tới 100%, thì Chính phủ vẫn sẽ phải thu thuế từ dân chúng nói chung để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách. Đây là một phép toán căn bản”, CEO của Tesla viết.